“Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến hóa theo hướng biến thành mô hình mô phỏng toàn bộ thế giới. Điều đó đang đặt ra những thách thức khủng khiếp bởi đây không phải là câu chuyện AI có thay thế con người hay không mà là những người thành thạo về AI sẽ thay thế những người khác. AI đang bóp méo thế giới đến mức chúng ta không có khả năng tiên đoán xa hơn nữa. Ứng dụng AI vào máy tính lượng tử sẽ vượt tầm trí tuệ con người.
Con người không còn là giống loài quyết định được hướng đi của trái đất. Trong 2 năm tới, 40% người có thể mất việc làm vào tay những người biết dùng AI. Người Việt Nam có thể thay thế hoặc bị thay thế bởi chính AI”, Lê Công Thành, CEO InfoRe Technology đã đưa ra dự báo như vậy.
Trên trang mạng xã hội của mình, CEO Lê Công Thành đã nhiều lần nhắc đến bình dân học vụ AI bởi Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn do AI mang lại, nếu bỏ qua cơ hội này Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau.
Học AI như học chữ
“Nếu dùng AI ở những kỹ năng đọc, viết của thời đại mới thì 99% người Việt Nam chưa nắm được và biết dùng công cụ AI hiện đại. Tuy nhiên, với 80% người Việt Nam có smartphone và kết nối Internet là cơ hội rất lớn để để bình dân học AI”, ông Lê Công Thành nói.
Ông Thành ví von bình dân học AI cũng không khác gì học chữ quốc ngữ ông cha ta đã làm từ thế kỷ trước. Để học được AI, cần phải có người dạy, người biết nhiều hơn dạy cho người biết ít hơn, vừa học vừa dạy người khác. Nếu mỗi người luyện tập với công cụ AI khoảng 15 phút mỗi ngày, mỗi tuần dành ra 15 phút để chia sẻ với người khác thì sẽ có nhiều người được học AI… từ đó lan tỏa tri thức. Để học sinh học được AI, chính thầy cô, cha mẹ phải học và dạy lại cho các bạn đó. Phải có người hướng dẫn, không thể tự học hỏi, khám phá vì AI có cả mặt tích cực và tiêu cực.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam cho rằng, hiện nay học sinh ở nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… bắt buộc phải học về AI từ cấp bậc tiểu học. Vì vậy, ông có ước mơ tất cả các học sinh thuộc thế hệ sau này của Việt Nam đều được học AI.
“Trong bộ phim “Chú chuột đầu bếp” có thông điệp “ai cũng có thể nấu ăn”, tôi cũng muốn “Ai cũng được học AI và học được AI”. Phải làm sao để học sinh ở Việt Nam ai cũng đều được học về AI. Việc này đòi hỏi sự giúp sức của toàn bộ xã hội, mỗi một người cũng cần thay đổi nhận thức và ngành giáo dục cũng phải chủ động chuyển mình” ông Hoài nói.
Chia sẻ tiếp về vấn đề này, ông Hoài nhấn mạnh: “Tôi vẫn hay nói với các phụ huynh, học sinh về việc dù có thích hay không thích thì con cái vẫn sẽ phải sống với AI và chịu ảnh hưởng từ AI. Các con học không phải để làm AI mà để sống, để làm việc, để làm chủ, đề hợp tác với AI. Ngành giáo dục – một trong những ngành chịu ảnh hưởng của AI và Chat GPT- phải chủ động “đón bão”. Bão đến thì sẽ có những đổ vỡ. Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động để tránh những đổ vỡ lớn”- ông Hoài tâm sự.
Tự học, tự giải quyết vấn đề
Chia sẻ với VietNamNet về việc cần phải bình dân học AI, nhưng học thế nào? Học từ khi nào, ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ Nhân tạo, FPT Software cho hay, FPT có định hướng đào tạo bình dân hóa AI, phổ cập đến mọi người không chỉ đại học, cấp ba mà cả cấp 1.
“Cách đây 10 năm chỉ có học Thạc sĩ, Tiến sĩ mới học AI. Hiện giờ, FPT đã đưa được vào đại học. Sắp tới sẽ đưa xuống cấp học thấp hơn để các bé được học các concept phổ biến như tương tác giữa người và máy để đón đầu làn sóng công nghệ”
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, sai lầm lớn nhất là suy nghĩ học AI để làm về AI: “Tôi thấy 1.000 học sinh thì có thể sau này chỉ vài em có khả năng theo ngành này. Có rất nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng con tôi sau này chắc gì đã theo ngành AI mà phải học Al. Nhưng AI, đặc biệt như chat GPT có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta, vì vậy trước hết phải học”.
Tuy nhiên, ông Đinh Trần Tuấn Linh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông AIDA cho rằng, trào lưu AI rất mạnh, gần như mọi thiết chế đều chưa chuẩn bị kịp. Đối với giáo dục, cần có cách tiếp cận chậm rãi, cẩn trọng. Nhưng nếu ép học sinh học AI giống như học tin học từ lớp ba sẽ tăng thêm quá nhiều gánh nặng cho cả giáo viên và học sinh. Vì vậy, việc đầu tiên là nên cho học sinh bắt đầu học AI từ bậc trung học, đặc biệt là trung học dạy nghề khi tìm kiếm thêm cơ hội.
Dưới góc nhìn của mình, ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC cho rằng, nếu bắt buộc học AI nên bắt buộc kỹ năng tự học, tự giải quyết vấn đề. Có nhiều lĩnh vực mới quan trọng, không thể ép mọi người đều học. Để có thể tồn tại trong sự phát triển và thay đổi nhanh, mạnh, kỹ năng tự học và tự giải quyết vấn đề là rất quan trọng.
“Trong kỹ năng tự học có những nội dung tìm kiếm thông tin, giao tiếp, tìm biện pháp giải quyết vấn đề... Không thể chạy theo làn sóng công nghệ, nhồi nhét cho các bạn trẻ. Thay đổi liên tục chương trình giáo dục phổ thông đã là một gánh nặng” ông Tuấn nói.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh, Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, học sinh cần tích lũy kiến thức cơ bản. Nhưng đối với học sinh THPT nên được hướng dẫn sử dụng công cụ AI để tìm kiếm thông tin, giải bài toán và nâng cao chất lượng học tập.
Ông Lê Công Thành cho rằng đào tạo AI cho vừa nên bắt buộc, vừa không. Nên bắt buộc học AI với những người đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động bởi chỉ 3 năm tới, người lao động có thể bị đào thải nếu không biết ứng dụng AI. Nhưng đối với người nhỏ tuổi hoặc về hưu, tạo ra sân chơi, chỉ cho họ lợi ích để AI thâm nhập vào cuộc sống, phát triển bản thân, chỉ cần chỉ ra giá trị của AI trong công việc.
Ông Thành phân tích, cùng với bình dân học AI, còn có chương trình “doanh nghiệp học AI”, thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn bắt người lao động học tập để nâng cao năng suất lao động, tránh bị đào thải bởi kinh tế khó khăn, cần đổi mới sáng tạo tìm cách làm mới với công cụ mới.