Trong nhiều năm, sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) luôn là mong mỏi của gia đình ông Đinh Văn Hiu, sống ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Người đàn ông dân tộc Cơ Tu kiếm sống chủ yếu nhờ nghề làm nương rẫy, kiếm củi bán hàng ngày. Nguồn thu nhập ít ỏi không đủ sắm sửa smartphone. Các thông tin, tình hình chính sách ở địa phương, ông biết thông qua hàng xóm, người thân truyền miệng, hoặc chờ trưởng làng trực tiếp phổ biến.
Mong muốn thành hiện thực khi ông Hiu là 1 trong 50 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của Hoà Bắc được trao tặng điện thoại thông minh - chương trình do Viettel kết hợp với chính quyền xã triển khai năm 2023. Từ ngày có smartphone, kết hợp với sóng 4G của Viettel, thay vì tiếp nhận thông tin bị động, giờ người đàn ông dân tộc Cơ Tu có thể chủ động bắt kịp tình hình qua nhóm trên mạng xã hội - nơi thông báo các tin tức cần biết cho cộng đồng.
Lợi ích hơn, mỗi ngày lên rừng, ông có thể biết trước thời tiết thế nào. Internet sẽ đưa ra câu trả lời chính xác, thay vì bản thân tự phán đoán. Vào mùa vụ, khi thấy cây có hiện tượng lạ, ông chụp ảnh lại gửi cho cán bộ nông nghiệp xem, chỉ cách chữa, mà không cần chờ đợi người đến tận nơi thăm khám.
Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước trong 3 năm gần nhất về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tuy vậy, chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 40km, vẫn có những người dân như ông Hiu chưa có điều kiện tiếp cận smarphone, Internet hay các dịch vụ số.
Viettel quyết tâm thay đổi bức tranh trái ngược ấy. Với quan niệm công nghệ làm ra là để tất cả cùng thụ hưởng, không phân biệt tầng lớp, Viettel cam kết đem sóng 4G đến từng người dân, giống như cách cuộc cách mạng phổ cập di động đã diễn ra.
Trong trí nhớ Vườn Mí Chá, phiên chợ Sà Phìn đặc trưng của quê hương Đồng Văn (Hà Giang), trước đây vốn chỉ bày bán loanh quanh những món đồ quen thuộc, theo dạng tự cung tự cấp của bà con thôn bản. Vật phẩm Chá đem xuống phiên chợ để trao đổi chỉ là con lợn, con gà, thêm vài bó rau rừng. Mọi thứ dần sống động hơn khi sóng 4G, Internet len lỏi vào hoạt động thường ngày của vùng núi cao này.
Kể từ ngày đổi sim 4G của Viettel, cô gái người dân tộc Mông bắt đầu học cách truy cập mạng, tìm kiếm những sản phẩm mới, lạ về cho thôn bản. Chịu khó bỏ thời gian mày mò, Chá dần nhận ra cách để giúp những sản vật của quê mình được nhiều người biết tới. Từ số 0 về sử dụng công nghệ, giờ Chá biết cầm máy chụp ảnh, quay video, đăng tải thông tin những món tự nuôi, tự trồng.
“Trên mạng, đông khách dưới xuôi hỏi mua thịt lợn của người Mông lắm. Mình nhận thông tin của họ, liên lạc, gửi lợn theo xe khách”, Chá phấn khởi nói. Có thiết bị, có mạng kết nối, Chá còn khám phá ra nhiều mặt hàng khác cũng bán theo hình thức online. Thấy cái gì tiềm năng, cô lại nhập về bán cho bà con trong phiên chợ. Rồi Chá hướng dẫn người thân, bạn bè cùng tìm tòi, buôn bán, phiên chợ Sà Phìn bắt đầu có những món hàng hóa mới xuất hiện.
Tiện lợi và dễ dàng là hai từ mà cô gái tóm gọn về cách thức mạng Internet đã thay đổi sinh kế hàng ngày khi không còn bị bó hẹp trong phạm vi sản xuất - tiêu thụ nhỏ như trước. Những việc ở đô thị, thành phố lớn được coi là bình thường, quen thuộc thì với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đây là cuộc cách mạng. Với độ phủ sóng của dịch vụ 4G Viettel, từng thôn bản ở Hà Giang đã có thể truy cập Internet tốc độ cao, vào mạng xã hội, học hỏi và kết nối với người dân ở các địa phương khác. Các hoạt động giao thương buôn bán thuận lợi hơn rất nhiều.
“Mình không biết nhiều về công nghệ, về 4.0, nhưng thấy từ khi có sóng 4G, chiếc điện thoại cầm tay không còn chỉ để gọi và nhắn tin nữa, nó là cả thế giới thông tin rộng lớn ở ngay tại chỗ”, Vườn Mí Chá cho hay.
Cũng như Chá, với mạng Internet trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), có một thế hệ người trẻ đảo không còn phải đau đáu với việc đi hay ở như ông, cha của họ mà có thể lập nghiệp ngay trên quê hương. Trong quá khứ, ngư nghiệp dường như là lựa chọn nghề duy nhất của người dân trên đảo, thì nay những người con của Phú Quý đã biết tận dụng sức mạnh của Internet, đẩy mạnh du lịch, làm kinh tế tại chỗ.
Cuối năm 2017, Internet di động đã phủ rộng tại đảo tiền tiêu Phú Quý với 4 trạm 4G, 5 trạm 3G. Số lượng trạm này đảm bảo phủ Internet băng rộng tới mọi người dân trên hòn đảo có diện tích chỉ khoảng 16,3 km2. Khoảng cách 56 hải lý (tương đương 120km) giữa đảo xa và đất liền được xóa nhòa.
Tận dụng lợi thế đó, Nguyễn Văn Giỏi (sinh năm 1989, xã Ngũ Phụng, Phú Quý) quyết định trở về nhà, sau 2 năm làm việc tại TP.HCM. Nung nấu từ lâu mong muốn hòn đảo được nhiều người biết tới hơn, anh bắt đầu dùng điện thoại thông minh đã cài 4G để cập nhật thông tin thời tiết, tàu thuyền; review các địa điểm du lịch; hướng dẫn cách di chuyển ra đảo; và livestream giới thiệu đặc sản, hay những điểm đặc biệt của Phú Quý.
Ngôi nhà nằm ngay sát bờ biển, được Giỏi biến thành homestay, cho khách du lịch lưu trú và trải nghiệm cuộc sống dân đảo. "Nếu không có Internet, nói thật mình không dám về đảo”, Giỏi bộc bạch.
Chỉ trong vài năm, Phú Quý dần lột xác. Học tập theo Giỏi, nhiều gia đình chuyển sang kinh doanh dịch vụ. Một loạt khách sạn, nhà nghỉ, homestay đến quán ăn, nhà hàng, đơn vị cho thuê xe máy mọc lên ven biển để đáp ứng nhu cầu số lượng du khách đến đảo ngày càng đông.
Phú Quý vẫn đang trên đà hoàn thiện hạ tầng viễn thông, bên cạnh 4 tuyến truyền dẫn viba (từ điểm Mỏ đá Phong Phú đến điểm núi Cao Cát và từ điểm Bàu Trắng đến điểm trạm Rađa Hải Quân), cùng 8 trạm phát sóng thông tin di động của Viettel Bình Thuận. Theo kế hoạch phát triển hạ tầng truyền dẫn ở huyện Phú Quý, trong năm 2024 Viettel Bình Thuận sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến truyền dẫn.
Từ những ngày đầu, Viettel luôn gắn liền mục tiêu phổ cập công nghệ với trách nhiệm xã hội, từ việc phổ cập di động đến Internet băng rộng. Giờ đây, khi chưa đầy nửa tháng nữa các điện thoại chỉ hỗ trợ 2G sẽ ngừng hoạt động, Viettel đang gấp rút chuyển đổi những thuê bao còn lại, song song đẩy nhanh tốc độ phủ sóng 4G. Điều này sẽ góp phần hoàn tất lời hứa của Viettel: phổ cập smartphone đến mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Sở hữu smartphone có kết nối Internet là điều kiện cần để mỗi người dân trở thành công dân số, là bước đệm góp phần thay đổi cuộc sống của một cá nhân, hộ gia đình, và xa hơn mang đến sự đổi thay cho cả một vùng đất, của toàn xã hội.
Nguyễn Nam