Khi báo đài liên tục nói về thời đại 4.0 còn giới trẻ đâu còn lạ gì Facebook hay nhiều ứng dụng mạng xã hội khác thì liệu rằng xã hội này đã thật sự tân tiến và mức độ tân tiến đến đâu. Liệu chúng ta có sẵn sàng tiếp nhận những thứ mà xưa kia bị cho là cấm kị?
Với tốc độ phát triển của Internet và nhiều hình thức giải trí khác, sự cảm thụ về phim ảnh của người Việt Nam đã có bước tiến lớn trong nhiều năm qua, gần như “phổ cập” chung với mặt bằng chung của thế giới. Nhưng là một nước Đông Nam Á, văn hóa Á Đông vẫn còn in đậm và là nét đặc trưng của xã hội Việt Nam thì có nhiều thứ dù muốn hay không nó vẫn tồn tại. Một gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống là một trong những điều như vậy. Cũng từ đây phát sinh nhiều vấn đề bởi chắc chắn rằng không phải ông bà thế hệ 5X nào cũng bắt kịp được với thời đại cùng con cháu 8X, 9X... Đặc biệt, vấn đề “nhạy cảm” càng là đề tài khó nói và khó giải quyết nhất.
Đúng là chúng ta luôn có nhiều khái niệm gọi là “tế nhị”, mà đã là tế nhị thì “khó nói”. Chính sự khó nói đó dẫn đến sự thiếu hiểu biết, nhưng tò mò và mong muốn được khám phá. Tuy nhiên, với hành trang kiến thức còn hạn chế thì những tò mò muốn khám phá ấy phần lớn đều mang lại điều không tốt, hậu quả về sau thật khó mà biết được.
Chính vì bản sắc văn hóa Á Đông ấy mà nhiều gia đình Việt Nam rất e ngại khi cả gia đình cùng xem một bộ phim nhưng bất ngờ có một hay nhiều cảnh nóng. Ông bà ngại. Cha mẹ ngại. Nhưng những lũ cháu con phần lớn bị kích thích và tò mò. Như đã nói, một khi không có đủ kiến thức về giới tính rất có hại cho những tò mò này. Tiếc thay cho đến lúc này, giáo dục giới tính trong nhà trường và tại các gia đình Việt Nam vẫn là điều gì đó tế nhị, khó nói. Hệ lụy là những người trẻ phải tự tìm hiểu là chính.
Cho nên có lý do chính đáng để nhiều người phản ứng về việc nhiều phim Việt Nam chiếu giờ vàng lại xuất hiện nhiều cảnh nóng. Sau một ngày làm việc, học tập, các gia đình Việt Nam thường ngồi lại bên nhau bên bàn ăn với cái ti vi. Rõ ràng đó là những điều làm nên giá trị văn hóa Việt. Nhưng khi những cảnh nhạy cảm trong các bộ phim xuất hiện khiến cho không khí gia đình mất hẳn niềm vui. Đáng lo hơn về lâu về dài sẽ tác động không tốt đến bộ phận những con trẻ trong nhà.
Nhiều người cho rằng những cảnh ấy chưa thật sự nóng và có chăng cũng là bắt buộc phải có vì bộ phim cần như vậy. Còn nhớ cách đây khá lâu, bộ phim Sắc, Giới từng gây những phản ứng trái chiều. Người khen nghệ thuật, kẻ chê dung tục. Dù sau cùng bộ phim ấy cũng đạt nhiều giải thưởng danh giá nhưng rõ ràng nó chưa thuyết phục được hết tất cả mọi người. Bởi suy cho cùng phần lớn những người xem phim là giải trí, không phải nhà phê bình, nhà chuyên môn nên cách nhìn nhận về cách tình tiết sẽ khác.
Thế nhưng câu chuyện về phim chiếu giờ vàng lại có nhiều cảnh nóng thì lại mang một vai trò khác chứ không hẳn chỉ là nghệ thuật. Với nhiều người đó là nghệ thuật, là chấp nhận được nhưng tin rằng phần đông những bậc làm cha làm mẹ khó chấp nhận điều đó. Những ai phản đối cần những bộ phim nhẹ nhàng hơn, vui tươi hơn, không cần những cao trào tình cảm như vậy bởi điều đó đang làm hỏng không khí gia đình, xa hơn là nhận thức, định hướng phát triển của những đứa trẻ trong gia đình.
Tất nhiên mọi người đều sẽ có nhiều lựa chọn cho chuyện giải trí của gia đình mình bởi trong thời đại bùng nổ thông tin này có rất nhiều kênh thích hợp cho những khi gia đình tụ họp như một game show đố vui, ca nhạc hay chương trình hài kịch chẳng hạn. Còn phía nhà đài, có lẽ đã tới lúc nên suy nghĩ lại vấn đề phát sóng. Đương nhiên một bộ phim phát sóng giờ vàng sẽ dễ thu hút lượng người xem. Dẫu vậy, chỉ cần bỏ chút tâm ra để đặt mình vào vị trí người xem, những cha mẹ, ông bà có con cháu đang tuổi trưởng thành cùng xem bộ phim ấy có lẽ những người trong cuộc sẽ hiểu rằng nên có sự thay đổi.
Bộ phim ấy nếu chiếu một khung giờ khác có thể không có được lượng người xem như mong muốn nhưng giá trị nhân văn sâu xa còn lớn hơn rất nhiều. Thành công không chỉ là bộ phim hay mà còn là khi người mang bộ phim đó ra với cộng chúng đã nghĩ tới cảm xúc, tới văn hóa các gia đình Việt Nam. Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh đây?
Độc giả Hoàng Thông
Clip: VTV
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với bài viết đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!