AP đưa tin, cuộc đột kích của cảnh sát Philippines diễn ra ở thành phố Las Pinas thuộc vùng đô thị Manila hôm 27/6.
Chuẩn tướng Sydney Hernia, người đứng đầu đơn vị chống tội phạm mạng của cảnh sát quốc gia Philippines cho biết, cảnh sát vũ trang đã đột kích và khám xét 7 tòa nhà ở Las Pinas vào lúc nửa đêm. Họ đã giải cứu 1.534 người Philippines cùng 1.190 người nước ngoài đến từ ít nhất 17 quốc gia, bao gồm 604 người Trung Quốc, 183 người Việt Nam, 137 người Indonesia, 134 người Malaysia và 81 người Thái Lan. Ngoài ra còn có một số lao động đến từ Myanmar, Pakistan, Yemen, Somalia, Sudan, Nigeria và Đài Loan (Trung Quốc).
Hiện chưa rõ nhà chức trách Philippines đã bắt giữ bao nhiêu nghi phạm là lãnh đạo của tổ chức buôn người này.
Số nạn nhân được giải cứu ở Las Pinas cũng như quy mô của cuộc đột kích là lớn nhất từ đầu năm đến nay. Sự việc cho thấy Philippines đã trở thành một cơ sở hoạt động của các băng nhóm tội phạm mạng.
Lừa đảo trực tuyến đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở châu Á. Theo các báo cáo, nhiều lao động trong và ngoài khu vực đã bị dụ dỗ đến làm việc ở các quốc gia vì tin vào những quảng cáo trên Facebook hứa hẹn về một môi trường làm việc lý tưởng cùng mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ về sau phát hiện bản thân mắc kẹt trong tình trạng nô lệ cho các băng nhóm tội phạm trực tuyến và buộc phải tham gia vào các trò lừa đảo.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia hồi tháng 5, các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí siết chặt kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật, tăng cường nâng cao nhận thức của người dân để chống lại các băng nhóm tội phạm chuyên đưa người lao động trái phép sang các quốc gia khác và ép họ tham gia lừa đảo trực tuyến.
Cùng tháng, cảnh sát Philippines đã đột kích một cơ sở tội phạm trực tuyến khác tại cảng Clark ở thành phố Mabalacat thuộc tỉnh Pampanga, phía bắc thủ đô Manila. Nhà chức trách đã bắt giữ gần 1.400 lao động người Philippines và nước ngoài bị buộc tội thực hiện những vụ lừa đảo tiền điện tử.
Một số lao động khai với các điều tra viên rằng, khi cố gắng nghỉ việc, họ bị bọn tội phạm ép buộc phải trả một số tiền rất lớn vì những lí do không rõ ràng. Họ còn bị buộc phải trả tiền phạt vì vi phạm quy định do bọn buôn người đặt ra tại nơi làm việc. Những lao động này cũng sợ bản thân sẽ bị bán sang tay cho các băng nhóm tội phạm khác.
Theo Bộ trưởng An ninh Indonesia Mohammad Mahfud, nước này và các quốc gia khác trong khu vực đang gặp khó khăn khi phối hợp với Myanmar để xử lý tội phạm mạng. Ông Mahfud mong muốn ASEAN đạt tiến triển về một hiệp ước dẫn độ cấp khu vực, nhằm giúp các cơ quan chức năng truy tố những kẻ phạm tội nhanh hơn và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của tội phạm trực tuyến.