Bộ Y tế đã khuyến cáo mỗi gia đình chỉ đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” tại một điểm tiêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn ồ ạt đăng ký qua các website của các cơ sở tiêm chủng dẫn đến số lượng “ảo”. Vì vậy, có người đăng ký được 2-3 nơi, có người lại không đăng ký được.
Không được chuyển nhượng phiếu đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ |
Trước những chia sẻ, băn khoăn của nhiều bà mẹ trên diễn đàn mạng xã hội về việc có được chuyển nhượng phiếu đăng ký tiêm chủng vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim cho người khác hay không? Chiều ngày 29/12, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Mọi phiếu đăng ký tiêm dịch vụ sẽ không được chuyển nhượng.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Bộ Y tế đã khuyến cáo mỗi gia đình chỉ đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” tại một điểm tiêm. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn ồ ạt đăng ký qua các website của các cơ sở tiêm chủng dẫn đến số lượng “ảo”. Vì vậy, có người đăng ký được 2-3 nơi, có người lại không đăng ký được.
“Mọi phiếu đăng ký tiêm dịch vụ sẽ không được chuyển nhượng. Nếu thừa vắc xin do số lượng ảo sẽ được tập hợp cho lần đăng ký sau. Bản thân bà mẹ khi đưa con đến tiêm sẽ được kiểm tra chứng minh thư, giấy khai sinh của con để đảm bảo đúng trẻ được tiêm”, TS Phu khẳng định.
Tuy nhiên, PGS cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế không khuyến khích việc tiêm chủng dịch vụ như thế này, bởi vắc xin tương ứng trong tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn đáp ứng nhu cầu theo số lượng trẻ sinh ra mỗi năm.
Vì thế, cha mẹ cần từ bỏ tâm lý chờ đợi, mong ngóng vắc xin dịch vụ. Bởi trong năm 2016 chỉ còn duy nhất 40.000 liều vắc xin Pentaxim về vào tháng 1/2016, còn cả năm không còn nguồn vắc xin dịch vụ nào. Nếu chờ đợi, bỏ qua tiêm chủng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, ngay từ khi chốt phương án đăng ký trên mạng, các điểm tiêm đã thống nhất làm sao đảm bảo minh bạch, công bằng và đúng đối tượng tiêm.
Với Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tại thời điểm mở hệ thống ước tính có đến 10.000 người cùng vào chỉ trong 1 giây. Lượng người đăng ký không chỉ là người ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác như Thái Nguyên cũng vào đăng ký cho con.
Phiếu đăng ký tiêm chỉ có giá trị trong ngày hẹn, với đúng thông tin trẻ được cung cấp trên phiếu. Vì vậy, phiếu đăng ký tiêm chỉ có giá trị trong ngày hẹn, với đúng thông tin trẻ được cung cấp trên phiếu.
Mọi trường hợp chuyển nhượng phiếu tiêm, thông tin đăng ký không đúng tên trẻ, tên người giám hộ thì sẽ không triển khai tiêm. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ làm thêm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phiếu với giấy tờ mà người nhà mang đến.
“Hàng ngày, trung tâm sẽ tổng hợp và thông báo số lượng vắc xin sử dụng. Sau khi tổng hợp lượng vắc xin còn dư lại vì số lượng tiêm “ảo” như những trường hợp đăng ký được nhiều nơi, bỏ tiêm sẽ có các thông báo tiếp theo”- ông Cảm cho biết thêm.
Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên cho trẻ đi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem tại gần 12.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Theo Bộ Y tế, vắc xin Quinvaxem đã được đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đăng ký được vắc xin dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng.
(Theo Sức khỏe đời sống)