Làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là vùng đất địa linh nhân kiệt, với nhiều danh nhân, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng. Nơi đây còn nổi tiếng với chợ Tết xuyên đêm và chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ đầu giờ chiều mùng 2 đến trưa mùng 3 Tết Âm lịch.
Khởi nguồn từ truyền thuyết
Chợ Tết xuyên đêm ở làng Bích La (Quảng Trị) |
Tương truyền rằng, thuở dựng làng lập ấp, trước đình làng Bích La có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết Âm lịch, khi dân làng Bích La tề tựu về đình làng để thắp hương, tri ân những bậc tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống an lạc, rùa vàng lại nổi lên mặt nước như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy...
Nhưng có một năm, khi hương nến đã được thắp mà rùa không hiện, khiến cho nhiều người cho đó là điều chẳng lành. Quả nhiên, năm đó người Bích La “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô khô quắt lại”, mùa màng thất bát, thiếu đói tứ bề…
Vì thế, dân làng Bích La đã bàn nhau sau khi thắp hương ở đình vào rạng sáng mùng 3 Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Người đốt đuốc, người khua chiêng múa trống, người hò hét để gọi cho bằng được “rùa thần” nổi lên, ban phát “phúc, lộc, thọ” cho dân làng. Từ đó, lễ hội chợ đình Bích La ra đời.
Người dân tấp nập buôn bán tại phiên chợ Tết xuyên đêm |
Buổi lễ được tổ chức với các phần dâng hương cúng tạ trời đất, các vị tiên linh khai thiên lập ấp và lễ cầu thần Kim Quy, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết góp sức chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, giàu mạnh. Đây cũng là phần quan trọng nhất của lễ hội chợ đình Bích La thể hiện mong ước bình dị mà lớn lao nên được lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày hôm nay, làm cho lễ cầu thêm trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách đến du xuân, dự lễ với lòng thành kính.
Nét văn hóa đặc sắc
Lễ hội chợ đình Bích La được chia thành 3 phần rõ rệt. Phần “lễ” bao gồm các nghi lễ tâm linh, phần “hội” với nhiều trò chơi dân gian và cuối cùng là phần “chợ”. Nhưng phần “chợ” lại diễn ra trước cả phần “lễ” vì từ chiều mùng 2 Tết, dân làng đã bày biện tại các gian hàng, các sản vật quanh đình.
Người Bích La dành những thứ tốt nhất, đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. Đó có thể là mớ rau tươi còn thơm mùi đất, dăm ba bó chè xanh ngắt, những buồng cau chi chít quả hay giản đơn là dưa, cà, mắm muối, tò he, nồi đất, rổ rá tre …. là sản vật do chính người Bích La làm ra, được tạo nên từ đồng đất của làng. Nhưng họ không mang hàng đến đây để bán kiếm lời, bày bán những thứ này chính là phong tục từ xa xưa do cha ông để lại, xem như phân phát và sự may mắn cho du khách gần xa đến thăm chợ Đình. Vậy nên khách cũng không bao giờ trả giá. Ai đến chợ cũng cố gắng mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.
Người Bích La dành những thứ tốt nhất, đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. |
Đến chợ đình Bích La, người bán luôn chiều lòng theo khách, còn người mua thì mua được nhiều sản phẩm của đồng quê ngon tươi và rẻ. Người đến tham gia phiên chợ để gặp gỡ đầu năm, tìm về nguồn cội tổ tiên, dân tộc trong không khí lễ hội, trong tình cảm chân tình, thân thiện và cùng cầu mong cho một năm mới an lành, thành đạt.
Ngoài ra, các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực cho chữ. Người dân tới xin chữ đầu năm, ông đồ chỉ cho không bán, đáp lại tình cảm đó, du khách có thể tặng may mắn cho người viết thư pháp bằng những bao lì xì.
Bên cạnh đó, còn có hội diễn văn nghệ quần chúng, thi viết chữ đẹp, viết thư pháp, thi đấu cờ tướng, cờ vua, thi nhảy bao bố, đập om, đẩy gậy,…. Mỗi xóm trong làng tham gia 3 tiết mục, có đơn ca, song ca, tam ca, hoặc hò vè. Đội văn nghệ xung kích của xã tham gia 3 tiết mục hát tập thể. Ngoài ra, tùy theo thời gian mời con em đi xa về quê đón Tết cùng tham gia văn nghệ.
Lễ hội chợ đình Bích La không chỉ cứ dân trong làng mà còn thu hút khách gần xa. Nhiều du khách cho biết, họ rất háo hức chờ đợi được tham gia, vì đây là lễ hội cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Lâm Linh Thu