“Từ chối công tác giáo dục” là nội dung gây dậy sóng dư luận những ngày qua tại Thông báo số 296/TB-LLQ, ngày 25/9/2023, do hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ký ban hành.
Nhiều năm làm hiệu trưởng trường THPT, khi đọc thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân gửi phụ huynh học sinh, thú thật tôi không tránh khỏi sự bức xúc.
Trường học không phải võ đài để tỷ thí đúng, sai
Từng dạy học, quản lý trường ngoài công lập nên tôi hiểu từ chăm lo đội ngũ, tổ chức dạy học đến công tác phối hợp với phụ huynh học sinh - trong không ít trường hợp - hiệu trưởng phải chịu nhiều áp lực.
Người đầu tàu này cần đảm bảo chất lượng tuyển sinh; duy trì sĩ số học sinh để có nguồn thu từ học phí ổn định; đảm bảo lương cho giáo viên, nhân viên; tổ chức hoạt động phục vụ giảng dạy chính khóa, ngoại khóa dưới sự chỉ đạo của sở GD-ĐT, hội đồng quản trị nhà trường…
Trong bối cảnh đó, hiệu trưởng trường ngoài công lập cần hài hòa các mối quan hệ để hoạt động nhà trường theo kế hoạch đề ra, đạt mục đích “kinh doanh giáo dục” nhưng tuân thủ quy định của ngành giáo dục, nhất là trong công tác giáo dục học sinh, phối hợp với phụ huynh.
Giải bài toán có học sinh vào trường, thu đủ học phí từ phụ huynh, từng bước cải tiến chất lượng, đòi hỏi người đứng đầu nhà trường am hiểu sâu sắc giáo dục, mềm mỏng, kiên trì nhưng cũng quyết đoán. Hiệu trưởng phải “chắc lý” và “trong tâm”.
Có lần tôi bị phụ huynh mắng thậm tệ vì là hiệu trưởng mà để hai nữ sinh đánh nhau trong lớp. Phân trần, giải thích thế nào phụ huynh cũng không nguôi giận.Tranh luận lúc này khác gì “đổ dầu vào lửa” nên tôi đành… chịu trận. Cuối cùng, “dông lốc” cũng qua sau nhiều ngày “càn quét” trường và bản thân tôi. Mấy năm sau, V., một trong hai học sinh đánh nhau, đến trường. Em nắm chặt tay tôi, chân tình nói: “Thầy giữ sức khỏe nhé!”. Giọt cay trong mắt tôi và em, hạnh phúc nhà giáo thường đến muộn vậy đấy.
Dạy học trò sống khoan dung, thầy cô cần nêu gương, hiệu trưởng phải mẫu mực. Khi ban hành quyết định quản lý, những người cầm cân nảy mực phải tuyệt đối cẩn trọng.
Học đường, từ xưa đến nay, duy tình là giá trị góp nên truyền thống cao đẹp. Để trân giữ và lan tỏa, cần biện pháp giáo dục đắc nhân tâm, mà muốn có, người đứng đầu trường học phải thấu hiểu học sinh, phụ huynh.
Nếu chúng ta hành xử vô cảm ở lĩnh vực nào cũng sẽ cho cái kết đứt gãy, huống gì ở trường học. Mời nhiều lần mà phụ huynh chưa sắp xếp lên làm việc với nhà trường, ắt có lý do. Đây cũng là phép thử với hiệu trưởng. Giá như đại diện Trường THPT Lạc Long Quân đến nhà gặp gỡ phụ huynh nhiều lần hoặc trao đổi qua điện thoại, nhắn tin, email.
Nếu còn khoảng lặng giữa cách làm của nhà trường với cảm nhận phụ huynh, người hiệu trưởng, quản lý phải thuyết phục. Trước đó, hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên phải cố gắng trong công tác dạy học, minh bạch, công khai các khoản thu….
Muốn phân định thắng thua ngay và luôn như trên võ đài đó là phi giáo dục! “Tiên học lễ”, đòi hỏi thầy cô trui rèn và hiệu trưởng - thầy cô của thầy cô, càng phải thấm thía hơn điều này.
Câu chuyện vì một lý do để từ chối giáo dục học sinh là cậy quyền, sai cả lý lẫn tình, lệch cả mục tiêu và biện pháp giáo dục.
Không thể “giận cá chém thớt”
Gõ từ khóa “từ chối công tác giáo dục học sinh”, Google cho 10.800.000 kết quả trong 0.27 giây, điều này cho thấy dư luận rất quan tâm đến cách Trường THPT Lạc Long Quân xử lý học sinh của mình khi bất đồng với phụ huynh.
Đây là trường ngoài công lập, nên nhà trường và phụ huynh có thể có hợp đồng ràng buộc hai bên thực hiện quyền và nghĩa vụ.
Vụ việc liên quan giữa phụ huynh với Trường THPT Lạc Long Quân, đúng sai chưa xác định rõ. Cần thiết, có sự phân định của “chủ trường”, cơ quan quản lý giáo dục. Khi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, hai bên đều có quyền khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên dù ở tình huống nào, tuyệt đối không làm ảnh hưởng quá trình học tập của học sinh - là nguyên tắc giáo dục, là trách nhiệm của trường, là đạo đức nhà giáo, là lương tâm của hiệu trưởng.
Từ chối công tác giáo dục học sinh, chẳng khác nào “trăm dâu đổ đầu … học sinh”. Phụ huynh có lỗi, con em họ cần càng được nhà trường quan tâm. Trẻ con, khi trường dồn vào bước đường cùng, các em mặc cảm với thầy cô, xấu hổ với bạn bè, hệ lụy khôn lường. Lúc ấy, trường có hối hận cũng muộn màng.
Còn về lý, Điều 39 của Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam khẳng định “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.
Luật Trẻ em, Luật số: 102/2016/QH 13, tại điều 16, Chương II, quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”.
Luật Giáo dục, Luật số: 43/2019/QH 14, tại Khoản 2, Điều 83, Quyền của người học, quy định: “Được tôn trọng, bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh; được cung cấp đầy đủ thông tin về học tập và rèn luyện của mình”.
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, tại Điều 35, Quyền của học sinh, Khoản 2, quy định: “Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình, …”. Cũng theo Thông tư này, chỉ khi học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện mới xử lý kỷ luật theo các hình thức.
Tại Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục, có 05 hình thức kỷ luật học sinh, gồm, Khiển trách trước lớp, Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, Cảnh cáo trước toàn trường, Đuổi học một tuần lễ, Đuổi học một năm.
Từ Luật đến các Thông tư của ngành giáo dục, không có điều nào cho phép nhà trường đình chỉ việc học khi học sinh không phạm quy. Từ chối công tác giáo dục đối với học sinh tại thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân vì vậy càng phải lên án khi lạm quyền với trẻ vị thành niên.
Điều không thể chấp nhận ngay cả trong suy nghĩ của nhà giáo, đằng này lại thông báo hẳn hoi bằng giấy trắng, mực đen, con dấu và chữ ký. Thông báo chưa được hiện thực hóa nhưng vẫn khiến dư luận dậy sóng, bất bình: Giận cá sao lại chém thớt?
Làm giáo dục, dẫu công hay tư, trên hết, vẫn là tất cả vì học sinh!