Chị Nguyễn Thị Như là 1 trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Độc giả bình chọn cho nhân vật TẠI ĐÂY (thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2020).
Ngày 23/8 vừa qua, chồng chị Nguyễn Thị Như (39 tuổi) là anh Vũ Trí Sức (44 tuổi, Đức Thành, Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang) bất ngờ gặp tai nạn lao động nghiêm trọng. Anh Sức đi xây phụ một người quen trong xóm, khi trèo lên giàn giáo cao không may hẫng chân, rơi xuống đất.
Cú ngã làm anh Sức bất tỉnh, máu chảy rất nhiều ở phần đầu, tai. Một người trực tiếp chứng kiến sự việc kể lại, máu chảy nhiều tới nỗi ướt đẫm 2 bộ quần áo của nạn nhân và cả áo của những người nâng anh dậy.
Đưa tới Bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán vỡ sọ não, mảnh xương đã găm vào vùng não, cần mổ cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, tình trạng vẫn diễn tiến xấu, anh tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Khi anh Sức xảy ra chuyện, chị Như đang lao động tại Đài Loan, không thể về do dịch Covid-19. Nghe tin báo từ người em chồng, chị choáng váng, ngã quỵ. Chị Như không rời điện thoại dù chỉ một phút, ngày ngày ngóng tin chồng và khao khát có phép màu.
Nhưng phép màu ấy không đến. Tại Bệnh viện Việt Đức, sau thêm 1 lần mổ cấp cứu, các bác sĩ cho biết bệnh nhân gần như không có hy vọng sống do đã bị chết não.
Lúc này, gia đình anh Sức được tư vấn về việc có thể hiến mô tạng cứu sống thêm nhiều người khác. Anh trai, chú ruột của anh Sức rất ủng hộ việc này. Tuy nhiên, theo luật pháp quy định, chỉ có vợ, con, hoặc mẹ bệnh nhân mới được ký vào tờ đơn đăng ký hiến tạng.
Nhận được cuộc điện thoại của đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị Như bật khóc: “Liệu có cách nào, dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ có thể cứu anh ấy hay không, xin bác sĩ hãy cứu lấy chồng tôi”.
Câu trả lời là “không thể”, người phụ nữ thấy đầu óc đóng băng, cả cơ thể tê dại.
Chị nghĩ đến tính cách anh xưa nay, là người rất tốt bụng, luôn chia sẻ, giúp đỡ người khác. “Chưa một ai nhờ vả điều gì anh có thể giúp mà anh từ chối. Biết đâu, đây cũng là điều anh muốn?”
Suy nghĩ một thời gian, chị Như quyết định gật đầu. Chị tâm sự, còn một lý do khác khiến chị đồng ý, là mong muốn anh có thể vẫn hiện diện một cách nào đó trên cuộc đời này. Bởi lẽ sự ra đi đột ngột của anh là cú sốc quá lớn với chị và các con.
Chị Như đem điều này chia sẻ với hai con trai Vũ Công Mạnh (18 tuổi) và Vũ Việt Hoàng (14 tuổi). Nghe mẹ nói, Mạnh khóc lớn: “Không được, phải mang bố về nguyên vẹn”, sau đó bỏ ra ngoài.
Chị Như cố gắng thuyết phục con: “Nhà mình mất bố rất khổ, nhưng cũng đang có nhiều gia đình khổ như vậy. Nếu cứu được, họ sẽ không còn khổ như chúng ta nữa, điều này là rất tốt”. Thế rồi, Mạnh cũng nghe mẹ. Sau đó, cậu bé thay mẹ ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng cho cha.
Người phụ nữ 39 tuổi thú thực, đến tận khi con trai đồng ý, chị vẫn rất trống rỗng, không muốn tin đây là sự thật. Cậu em trai nhìn chị, thương xót: “Chị đang làm điều ý nghĩa. Nhưng quyết định như vậy, sau này chị có sống được không? Hơn nữa, nếu như bị mọi người dị nghị, chị có chịu nổi không?”
Thế nhưng, chị Như đau đớn gật đầu. Nếu chị chần chừ, mọi thứ có thể quá muộn, thời gian cứu người sẽ không còn nữa.
Trưa ngày 30/10, anh Sức ra đi. Ngay sau đó, anh được đưa lên phòng phẫu thuật, lấy tạng để ghép cho những bệnh nhân nguy kịch. 6 tạng gồm tim, gan, 2 thận, 2 giác mạc được ghép cho 6 người, giúp họ hồi sinh sự sống. 4 đoạn mạch máu được chuyển lưu trữ và bảo quản tại Ngân hàng mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chờ ghép cho những bệnh nhân khác.
Quả tim anh đang đập trong ngực bé trai 11 tuổi ở Thái Bình. Cháu bé tưởng như không thể qua khỏi hiện đã khỏe mạnh ra viện, trở về bên gia đình và có thể tiếp tục ước mơ tới trường.
Ngày 9/9, chị Như mới có thể lên chuyến bay “giải cứu” để về nước, cách ly tại Trà Vinh 14 ngày. Tối 24/9, chị về đến Bắc Giang, vòng qua thăm mộ anh trước khi trở về nhà. Gian nhà mới xây khá rộng, vẫn gọn gàng như vậy, nhưng không có anh chờ sẵn nữa, chỉ còn lại tấm di ảnh lạnh lẽo trên ban thờ.
Vợ chồng chị Như lấy nhau năm 2000, đến tháng 10 năm nay vừa hay tròn 20 năm. Lúc ấy, kinh tế túng thiếu, ngôi nhà ọp ẹp chẳng có tài sản giá trị, cứ mưa to một chút lại ngập úng tới chân giường.
Ở quê làm ăn khó, khi con trai đầu 13 tháng tuổi, anh Sức xin sang Malaysia xuất khẩu lao động. Nhưng chưa trả hết nợ tạm ứng, anh lại có mấy lần bị lừa, phải ra về tay trắng, nợ chồng nợ. Thương chồng, khi con cứng cáp, chị Như cũng quyết định xin sang Đài Loan làm hộ lý để trang trải kinh tế.
Suốt 20 năm, họ bôn ba đi nhiều nước, cứ khi nào anh đi làm thì chị ở nhà chăm lo con cái và ngược lại. Hết hợp đồng, họ về đoàn tụ khoảng nửa năm, sau đó lại tiếp tục lên đường.
Năm 2018, sau bao năm tích góp, họ xây được căn nhà khang trang. Nhưng lúc này, anh Sức lại không may gặp tai nạn làm vỡ xương gót, gãy ngón tay. Chị Như về Việt Nam chăm chồng 8 tháng. Nghĩ đến nợ cũ chưa trả hết, lại thêm anh bệnh tật sẽ khó khăn hơn trong việc lo kinh tế, chị quyết định xin sang nước ngoài thêm 3 năm nữa.
“Hai vợ chồng bảo nhau cố thêm nốt lần này để trả nợ và có ít vốn nhỏ dành dụm cho con cái. Sau đó, chúng tôi có thể bên nhau, không đi đâu nữa”, chị Như tâm sự.
Thế nhưng, dự định đó nào ngờ chẳng thể thực hiện.
Chị Như rơi nước mắt khi nhớ lại cuộc trò chuyện với chồng trước hôm anh xảy ra tai nạn.“Tối đó, tôi mệt mỏi chuyện công việc, nói rất nhớ nhà, nhớ anh. Anh hứa khi gặp sẽ ôm tôi thật chặt, còn động viên “Vợ yêu anh luôn bên em”. Tôi cũng đã hứa 2 năm nữa khi được về, mỗi sáng sẽ nấu cho anh ăn, không để ba bố con ăn sáng tạm bợ nữa. Nhưng giờ không thể nữa rồi…”, chị xúc động chia sẻ.
Từ ngày xảy ra chuyện, chị Như chưa từng có đêm nào ngủ ngon giấc. Ở khu cách ly Trà Vinh, chị nhiều lúc quẫn trí, định nhảy từ trên lầu cao xuống. Tuy nhiên, hình ảnh hai đứa trẻ bơ vơ ở nhà nhanh chóng khiến chị gắng gượng trở lại.
Đau đớn vì mất người thân, chị Như và gia đình còn phải chịu thêm nhiều điều tiếng khi quyết định hiến mô, tạng của anh Sức.
Bà Nguyễn Thị Thi, mẹ anh Sức chia sẻ, khi về làng, một số người từng tới gặp bà, hỏi thẳng: “Bà bán nội tạng con trai được mấy tỷ?” Có người thì bàn tán: “Nhà bà này giờ sướng lắm, bán tim gan con, mỗi gia đình mua tạng họ trả cho 500 triệu cơ mà”.
“Vừa xót xa, vừa tức giận, nhưng tôi tự nhủ đây là việc phúc đức, con tôi mất đi nhưng một phần cơ thể con vẫn còn sống”, bà Thi xúc động nói.
Chị Như bộc bạch, dù có phần tổn thương, chị vẫn động viên mẹ để ngoài tai những lời phán xét. Bởi lẽ ngoài những ý kiến tiêu cực, vẫn có nhiều người hiểu và dành sự tôn trọng cho gia đình.
Sau sự ra đi của chồng, chị Như nghỉ hẳn công việc, ở nhà chăm lo cho con. Khi hai đứa trẻ đi vắng hoặc mải học, chị lại bần thần một mình và khóc.
Mạnh và Hoàng đều rất tình cảm, thấy mẹ buồn sẽ chạy đến ôm mẹ, lau nước mắt cho mẹ. Hai đứa trẻ thường xuyên thủ thỉ: “Mẹ đừng khóc nữa, đã có con làm chỗ dựa cho mẹ đây rồi”.
Các cậu bé giống hệt tính bố, từ việc sống tình cảm cho đến tính ngăn nắp. “Để đồ nào ở vị trí nào cho gọn, dọn dẹp nhà cửa ra sao, trước bố sắp xếp thế nào thì bây giờ các con nhớ và làm theo đúng như vậy. Ngày xưa khi tôi buồn, anh thường ngồi bên cạnh an ủi, bây giờ các con cũng thế”, chị Như kể.
Mạnh đang tập trung ôn thi đại học. Cậu bé tâm sự sẽ đăng ký ngành an ninh, phần để mẹ đỡ vất vả hơn khi nuôi ăn học, phần vì lý do rất đặc biệt.
“Cháu biết nhiều người hiểu lầm khi gia đình cháu hiến tạng bố. Cháu muốn trở thành người tốt, đóng góp được cho xã hội để mọi người có cái nhìn khác, không lời ra tiếng vào gia đình mình nữa”, Mạnh nói.
Hoàng mới học lớp 9, nhưng cũng đã tỏ ra khá chín chắn, hiểu chuyện. Cậu bé chia sẻ khóc rất nhiều từ ngày bố mất, tuy nhiên cố không rơi nước mắt trước mặt mẹ. “Cháu tự hào mọi điều về bố. Bây giờ bố không còn nữa, anh em cháu phải mạnh mẽ hơn để mẹ dựa vào”, Hoàng nói.
Cậu bé vẽ rất đẹp, ước mơ lớn nhất là trở thành kiến trúc sư để có thể thiết kế nhiều căn nhà đẹp và có kinh tế phụ giúp mẹ. Thiết kế nhà, xây dựng cũng là đam mê lớn nhất của bố Hoàng ngày còn sống.
Chị Như chia sẻ, dù chưa có cơ hội gặp những người được anh Sức trao tạng, cũng không biết tương lai có cơ hội gặp gỡ hay không, chị vẫn không hối hận vì quyết định của mình: “Có thể việc hiến tạng còn mới với nhiều người, nên không thể tránh những chuyện thị phi, dị nghị. Tôi chỉ mong góp thêm 1 mẩu chuyện nhỏ, giúp lòng tốt được nhân lên..."
Bài: Nguyễn Liên - Ảnh: Lê Anh Dũng
Video: Xuân Quý, Nguyễn Liên
Thiết kế: Nguyễn Huệ
‘Là bác sĩ truyền nhiễm, tôi luôn tâm niệm sẵn sàng cho mọi tình huống của dịch’
Gần một năm căng mình theo từng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt, của riêng ông và cả những đồng nghiệp cùng ông “chiến đấu”.