Ở làng tôi, một mảnh đất nghèo Đồng bằng Bắc bộ, đằng sau sự thành đạt của những đấng nam nhi luôn có hình bóng những người phụ nữ thuỷ chung, tảo tần, chịu thương, chịu khó.
“Chị tôi chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”
Hơn 40 năm trước, khi còn là một sinh viên khoa Văn ĐH Tổng hợp, tôi luôn tự hào về phẩm hạnh của người phụ nữ làng mình.
Làng Hành Thiện* quê tôi là một mảnh đất nghèo thuộc Đồng bằng Bắc bộ. Tương truyền thày địa lý Tả Ao, vì được một người dân làng cứu khi suýt ngã xuống sông, đã tạ ơn bằng cách "quy hoạch" giúp ngôi làng hình con cá chép rất kỳ lạ này được văn minh hơn. Xung quanh làng là dòng sông bao bọc lấy 14 giong (xóm) và có đường xương cá giữa các xóm chạy thẳng băng.
Ở cuối làng là "đầu" của con cá, có một cái hũm không sâu lắm, được làm giếng
gọi là giếng "Mắt cá". Ở "thân" con cá chép, lại có cái hũm nữa, dân làng gọi là
"Rốn cá", cũng làm thành giếng. Nhiều đời truyền tụng, nếu dân làng không biết
giữ gìn, chỉ một ai lơ là vứt cái gì không sạch xuống "Mắt cá" thì cả làng bị
đau mắt, mà lỡ vứt xuống "Rốn cá" thì khó tránh được chuyện có phụ nữ chửa hoang.
Sau này dân làng quyết định lấp cả 2 giếng để tránh những chuyện không hay xảy
ra. Tuy nhiên, từ lúc lấp giếng "Mắt cá", làng tôi xem ra không phát như xưa, và
dù không ai vứt gì xuống giếng, dịch đau mắt đỏ đôi khi vẫn lây cả làng. Vì thế,
4 năm trước, dân làng đã cho phục hồi lại.
Duy giếng "Rốn cá" thì chưa thấy ai bàn và dám phục hồi vì xem ra, nó vẫn là điều làng tôi muốn giữ gìn cho lớp hậu thế, dẫu biết rằng với lối sống “cởi mở” của tụi trẻ bây giờ, đó là chuyện khó.
Hội đua thuyền chùa Keo Hành Thiện. Ảnh: VnExpress |
Tôi nghe nói, trong hai cuộc kháng chiến, làng Hành Thiện có hàng trăm liệt sĩ (tính cả số đã định cư khắp các địa phương). Chỉ riêng kháng chiến chống Mỹ, số người làng từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã tới 970. Số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong và truy phong là 13 mẹ. Làng tôi rất tự hào khi có đến 3 trung tướng, 7 vị thiếu tướng và vài chục thượng, đại tá.
Suốt 2 cuộc chiến tranh gian khổ, khốc liệt và cả nhiều thế kỷ trước nữa, phụ nữ làng tôi không ai mắc tội "chửa hoang". Họ đã nhìn nhau mà cắn răng cùng chịu đựng, hy sinh cả đời con gái trẻ trung, khát vọng yêu đương và nguyện thuỷ chung chờ chồng trở về.
Những câu chuyện trong văn học như người phụ nữ có chồng đi xa, nhiều đêm trằn trọc, khao khát người thương bên mình, phải đổ vài thúng thóc ra xay đến rã rời, kiệt sức để khỏi nghĩ ngợi vẩn vơ sao tôi cứ ngỡ như là nói về người phụ nữ quê tôi vậy!
Dần dần, nó trở thành một lối sống, nét đẹp ở một vùng đất nghèo nhưng rất trọng chữ này. Có nhiều người chờ chồng, chờ người yêu đi chiến đấu, tuổi thanh xuân trôi đi tự khi nào chẳng hay.
Sự thuỷ chung, hy sinh ấy thật đáng trân trọng. Nhưng sau này, khi có chút hiểu biết, trải nghiệm qua một phần của cuộc chiến tranh khốc liệt, tôi mới suy ngẫm thêm về niềm tự hào ấy. Xét ở mặt nào đó, những người phụ nữ làng tôi, phải chịu thua thiệt đủ đường, để được xứng với mấy từ “Mỹ tục khả phong” được Vua Tự Đức ban tặng cho làng, hay “Tiết hạnh khả phong” ông ban tặng cho 5 người phụ nữ trong làng năm xưa.
Giá như làng tôi không được Vua ban sắc phong. Giá như làng tôi đừng lấp cái giếng "Rốn cá"... không khéo cuộc sống của phụ nữ làng tôi sẽ nhẹ nhõm, sẽ "con - người" hơn, thay vì luôn căng lên cố giữ tiếng tăm cho mình, cho gia đình, cho làng chăng?
Tôi chợt nhớ đến một đoạn thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh, như ứng vào thân phận
người phụ nữ quê tôi những năm đất nước chiến tranh: Hai mươi năm mong trời
chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Hai mươi năm chị vắng anh nên chị bị
thừa ra/ Trong giỗ, tết họ hàng nội, ngoại, ngồi phía bên nào cũng lệch/ Chị tôi
chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền...
Những người mẹ xa quê hương, gia đình…
Còn về sự đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài
thì phụ nữ làng tôi quả là hiếm có, họ thực sự là báu vật của làng.
Làng tôi nổi tiếng là mảnh đất khoa bảng với truyền thống "Giai học hành, gái
cửi canh". Dù nghèo đến mấy, thì người phụ nữ làng tôi vẫn miệt mài trồng dâu,
nuôi tằm, dệt vải lấy tiền nuôi chồng, nuôi con học hành, thi cử để đỗ đạt.
Những câu ca dao như: "Mong anh đi học cho ngoan/ Để em dệt vải kiếm quan tiền
dài/ Quan tiền dài em ngắt làm hai/ Nửa lo giấy bút, nửa nuôi mẹ chồng" như thể
là tả về chính làng tôi xưa kia vậy.
Vào thời Nho học, nơi này năm nào cũng khá nhiều sĩ tử đỗ đạt cao. Chả vậy mà
nghe kể, mỗi khi xướng tên người đỗ ở chốn khoa trường, nhiều thí sinh hay ồ lên:
"Lại Hành Thiện!". Nếu tính từ lúc làng Hành Thiện có người phát Khoa (năm 1522
- triều Lê cho đến triều Nguyễn, đời Vua Duy Tân, năm 1915 - kết thúc thi cử Nho
học), làng này đã có 338 tiến sĩ, phó bảng, cử nhân và tú tài. Tính ra, người có
hàm Thượng thư cũng đã có 4 vị.
Nói ngay chuyện như bây giờ (tính từ sau 1945, không tính thời Tây học),
người Hành Thiện có đến gần 200 tiến sĩ, trong đó có 37 giáo sư và 26 phó giáo
sư. Chỉ riêng số GS và PGS Y khoa, Hành Thiện đã có 20 người. Số GS, PGS, TS,
nhà giáo ưu tú... là nữ, nếu tính sơ sơ cũng đã có vài chục người.
Và người phụ nữ làng tôi vẫn như xưa, tần tảo, âm thầm hy sinh để chồng, con
được thành công, dựng được sự nghiệp. Làng tôi bây giờ, khá nhiều gia đình vợ
chồng phải tạm xa nhau. Những người mẹ cùng con ra Hà Nội, làm nghề mua bán ve
chai, lau dọn nhà cửa thuê, tối tìm chỗ trọ tại những nơi úi xùi với bạn hàng
cùng cảnh ngộ, khoảng mươi ngàn/đêm. Tất cả chỉ để dành dụm tiền cho các con ăn,
học đại học cho bằng chúng bạn…
*Thuộc xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định.