Sẵn sàng yêu xa và chờ đợi
“1 năm 2 tháng kể từ ngày quen nhau đến giờ, chúng mình mới gặp nhau 4 lần, tổng cộng thời gian gặp gỡ là 8 tiếng đồng hồ”, chia sẻ của Lê Thị Phương Thảo (SN 2003, quê Hải Dương) khiến nhiều người chú ý.
Phương Thảo được mẹ chồng đón về nhà. Đám cưới vắng chú rể thu hút sự quan tâm của nhiều người
Trên mạng xã hội TikTok, Thảo đặt cho mình biệt danh “Hậu phương của chú bộ đội hải quân”. Chồng của Thảo là Trần Đình Thụ (SN 1998, quê Hải Dương) hiện công tác ở đảo xa.
Trước khi về chung một nhà, cặp đôi có chuyện tình yêu đầy niềm vui và cả những giọt nước mắt nhớ nhung.
Chồng Thảo từng là bộ đội đóng quân ở Quảng Ninh. Cặp đôi quen nhau qua mạng internet vào tháng 9/2023, khi Thảo đang là sinh viên ở Hưng Yên.
Cô nhiều lần từ chối gặp mặt chàng trai. Tuy nhiên, tâm hồn ngọt ngào, tính thương người và sự chân thành của anh chàng đã khiến cô rung động. Từ nỗi sợ yêu xa, Thảo bắt đầu yêu màu áo lính.
Trước khi Thụ vào miền Nam huấn luyện, cặp đôi có 3 lần gặp gỡ. Sau đó, chàng trai ngỏ lời yêu qua tin nhắn và nhận được sự đồng ý của Thảo. Tháng 12/2023, khi anh chuẩn bị ra đảo làm nhiệm vụ, Thảo đã đến thăm anh. Đó là lần thứ 4 họ gặp gỡ kể từ khi quen nhau.
“Chúng mình yêu nhau 1 năm 2 tháng, gặp nhau được 4 lần, tổng cộng thời gian gặp là 8 tiếng. Bố mẹ mình thậm chí chưa từng gặp trực tiếp anh ấy mà chỉ nói chuyện qua cuộc gọi video.
Gia đình anh nhiệt tình tác thành cho chúng mình. Nhờ đó, mình tin tưởng hơn vào mối quan hệ này”, Thảo chia sẻ.
Thảo nhớ lại, thuở mới tìm hiểu cô từng nói đùa với bạn trai "dự là anh khó kiếm người yêu đấy”. Cô không ngờ, chính mình sau này đã tự nguyện trao gửi trái tim, sẵn sàng yêu xa và chờ đợi anh.
Đám cưới vắng mặt chú rể
Tháng 6/2024, được sự động viên của hai bên gia đình, cặp đôi quyết định làm lễ dạm ngõ. 3 tháng sau, vì không muốn bỏ lỡ ngày lành tháng tốt, họ tổ chức đám cưới. Có điều, cả hai dịp trọng đại này, chú rể đều vắng mặt vì công tác xa nhà.
“Lý do lớn nhất khiến mình đồng ý hôn sự này là vì tình yêu dành cho anh, sau là tình yêu với màu áo anh mặc. Bố mẹ mình chỉ nói ‘con phải xác định tương lai sẽ có lúc vất vả', còn lại rất tự hào về công việc của chồng mình”, Thảo kể.
Người yêu công tác xa nhà, mọi thứ Thảo đều phải làm một mình. Ngày về nhà bạn trai ra mắt, Thảo đi một mình. Ngày dạm ngõ, cũng một mình Thảo cùng gia đình đón tiếp nhà trai.
Ngày cưới, người lên phòng đón Thảo không phải chồng mà là mẹ chồng. Mọi nghi thức như rót rượu mừng, cắt bánh cưới... đều được gác lại.
“Hôm cưới, anh ấy còn bị mất sóng điện thoại nên không gọi về nhà được. Hạnh phúc, chạnh lòng... tất cả đều hóa thành những giọt nước mắt. Khi nghe MC chia sẻ về người lính, mình và mọi người đều xúc động.
Đám cưới vắng mặt chú rể tất nhiên sẽ có những lời đồn đoán, gièm pha nhưng mình không bận tâm. Hậu phương vốn dĩ mạnh mẽ như thế mà”, Thảo tâm sự.
Sau đám cưới, Thảo chuyển về sống cùng bố mẹ chồng cách đó 7km. Xa xôi cách trở, mạng internet lại chập chờn, gần 1 năm qua vợ chồng cô chỉ có thể nhắn tin, gọi điện chứ không thể gọi video để nhìn mặt nhau.
Đôi bên đều thấu hiểu nỗi niềm của đối phương. Thảo biết, mình tủi thân vì xa chồng thì chồng cũng vất vả, nhớ nhà khi phải xa gia đình, xa vợ. Đôi vợ chồng trẻ thường xuyên gọi điện, nhắn tin an ủi, động viên nhau.
“Chồng mình từng hỏi ‘Em có thấy vất vả không? Có hối hận khi lấy anh không?’. Mình vẫn câu trả lời đó ‘Em chưa từng hối hận vì chồng em là người rất tuyệt vời’”, Thảo chia sẻ.
Sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ chồng cũng bù đắp cho Thảo rất nhiều. Biết con dâu có những lúc tủi thân, bố mẹ chồng thường động viên, khích lệ. Thảo luôn tin, những người tuyệt vời như vậy sẽ có người con tuyệt vời.
Phương Thảo khoe, chồng cô đang trong hải trình quay về đất liền, hoàn thành 1 năm bảo vệ biển đảo. Đôi vợ chồng cùng đang mong ngóng về phút giây đoàn tụ bên nhau.
Ảnh và video: NVCC