Lần khác, BS Trang cùng ekip của mình chứng kiến cảnh đời ngang trái của nữ sinh 17 tuổi. Cô gái này vào viện sinh con một mình, không có tiền và người thân thích bên cạnh.
7 giờ tối, chúng tôi đứng ngoài cửa phòng đẻ (khoa đẻ A2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội). Tiếng khóc, tiếng gào thét vì những cơn đau đẻ từ sản phụ phía trong vọng ra.
Các bác sĩ vội vã di chuyển dọc hàng lang, khuôn mặt ai nấy đều lo âu, căng thẳng. Những tiếng bước chân dường như vội vã hơn.
Cảnh hối hả trong khu vực khoa đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. |
Bên trong tiếng bác sĩ đỡ đẻ liên tục thúc giục. Một nữ y tá cho biết, sản phụ đó vào viện gần 8 tiếng trước để sinh con đầu lòng.
7 giờ 30 phút tối, em bé chào đời. Nữ y tá thông báo: "Bé trai, nặng 3kg nhé”.
Sau đó sản phụ được điều đưỡng đưa lên băng ca, chuyển vào phòng chăm sóc sau sinh. Gương mặt người mẹ đượm vẻ mệt mỏi sau hành trình vượt cạn nhưng đôi môi khẽ mỉm cười…
Sau ca đẻ, sản phụ được di chuyển đến phòng chăm sóc bằng băng ca. |
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1991, khoa đẻ A2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội) tâm sự, mỗi ngày, ở đây tiếp nhận rất nhiều ca sinh nở.
Nữ hộ sinh Mai Linh chia sẻ, điều lo lắng nhất với sản phụ không phải những cơn đau đẻ mà là mong em bé được chào đời khỏe mạnh. |
Bên cạnh cảm xúc hạnh phúc khi đồng hành cùng sản phụ đón thiên thần chào đời, những người làm công việc đỡ đẻ cũng gặp không ít những câu chuyện xót xa.
Nữ hộ sinh trẻ chia sẻ, điều lo lắng nhất với sản phụ không phải những cơn đau đẻ mà là mong em bé trong bụng được chào đời khỏe mạnh.
Các sản phụ được nằm trong phòng chờ theo dõi trước khi lên bàn đẻ. |
Có trường hợp, 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, trải qua hành trình đầy gian nan chờ ngày khai hoa nở nhụy. Vậy mà, chỉ vì sơ suất, chủ quan của người mẹ mà đứa bé không được nhìn thấy ánh mặt trời.
Đó là câu chuyện của sản phụ sinh năm 1990 - quê Bắc Giang. Nữ hộ sinh Mai Linh kể, sản phụ này làm dược sĩ, chồng làm nhân viên y tế.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời gian dự sinh theo giấy siêu âm, sản phụ bỗng thấy ra máu, em bé trong bụng không thấy đạp như mọi lần.
Lúc này, người chồng vội đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả siêu âm cho thấy tim đứa trẻ đã ngừng đập.
Nằm trên giường cấp cứu, người mẹ nghe tin con mất, bắt đầu không tỉnh táo, liên tục gào thét. Người chồng vào ôm vợ cũng bị chị đấm đá, cào xước cả mặt mũi.
Ekip đỡ đẻ quyết định để sản phụ đó ổn định tâm lý hơn một chút rồi động viên chị uống thuốc gây cơn co bóp tử cung, sinh con như bình thường.
Sau ca sinh, sản phụ đó vẫn rơi vào trạng thái vô thức, từ chối tiếp xúc, trò chuyện với bất kể ai, tay ôm khư khư chiếc gối như thể ôm con. Khi xuất viện, chị được chuyển sang bệnh viện tâm thần điều trị tiếp.
Bác sĩ Đồng Thu Trang (SN 1986) - người trực tiếp tham gia ca đẻ đó tiếp lời nữ hộ sinh:
“Đây là trường hợp rất đáng tiếc. Do cũng có chút hiểu biết về y khoa nên từ lúc có thai hai vợ chồng tự theo dõi thai nghén ở nhà. Hàng tháng người vợ đến phòng khám siêu âm một lần mà không đến bệnh viện kiểm tra”.
BS Đồng Thu Trang (khoa đẻ A2 - Bệnh viện phụ sản Hà Nội). |
Vẫn theo lời BS Trang, khi thai có hiện tượng nguy hiểm, sản phụ cũng không hay biết. Tuần cuối thai kỳ chị cũng không đi khám mà chỉ đợi đúng ngày dự sinh là nhập viện. Chẳng ngờ, sự chủ quan đó đã mang đứa con bé bỏng của chị đi.
“Tháng cuối của thai kỳ, rất dễ nảy sinh nhiều bất thường, các sản phụ đặc biệt lưu ý đi kiểm tra theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá tình trạng thai nhi trong bụng.
Xem hiện tượng dây nhau quấn cổ, ngôi thai xoay ra sao?... cùng các đánh giá lâm sàng. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương án sinh con an toàn nhất cho sản phụ, giảm thiểu nguy cơ rủi ro” - BS Trang nói.
Lần khác, BS Trang cùng ekip của mình chứng kiến cảnh đời ngang trái của nữ sinh 17 tuổi. Cô gái này vào viện sinh con một mình, không có tiền và người thân thích bên cạnh.
Sản phụ bật khóc cho biết, do mải mê yêu đương sớm, bỏ bê học hành nên bố mẹ từ mặt, mặc dù biết con gái mang thai, đến ngày sinh nở họ vẫn không đoái hoài đến. Khi lên cơn đau đẻ, cô một mình tìm đến bệnh viện.
“Với những trường hợp như vậy, bệnh viện sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ. Chúng tôi mỗi người bỏ ra ít tiền, hỗ trợ cô gái nhập viện, mua bỉm sữa và đồ dùng cần thiết cho em bé” - BS Trang nhớ lại.
Quá trình nữ sinh chuyển dạ rất khó khăn, một người phụ nữ đi thăm người thân, nghe loáng thoáng câu chuyện của sản phụ trẻ đã đứng ra nhận chăm sóc hai mẹ con cô gái những ngày trong viện.
Do không có điều kiện, cô gái này quyết định ký giấy tờ, cho một người phụ nữ hiếm muộn nuôi đứa trẻ.
Thế nhưng, trước khi giao con cho người xa lạ, người mẹ trẻ cho con bú lần cuối. Em bé nằm ngoan trong vòng tay mẹ, đôi môi nhỏ xinh, ngậm vào bầu ngực mẹ, bú ngon lành.
Khoảnh khắc đó đã khiến nữ sinh thay đổi ý định cho đứa bé đi. Cô nói sẽ bế con về xin bố mẹ tha thứ và làm lại cuộc đời.
“Ngày xuất viện, chúng tôi cử người đưa em về nhà và nói chuyện với gia đình. May mắn, bố mẹ cũng đón nhận hai mẹ con.
Hy vọng, với những gì đã trải qua, cô gái đó sẽ mạnh mẽ, vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy con trưởng thành” - BS Trang trải lòng.
Cuộc điện thoại bất ngờ trong đêm khiến bác sĩ sản khoa xúc động
"Mãi đến một buổi đêm, khi tôi đang chợp mắt thì tiếng chuông điện thoại bỗng đổ dồn. Nhấc máy lên, tôi thấy giọng một người đàn ông thổn thức...", PGS.TS Phạm Bá Nha nói.
Người chồng ồn ào nhất phòng đẻ khiến bác sỹ bật cười
“Vợ cố lên, gắng 1 tý nữa là được… Lúc nào con ra, anh sẽ mắng con 1 trận vì cái tội làm mẹ con vất vả”- người đàn ông ồn ào nhất phòng đẻ khiến các y bác sĩ phải bật cười.
Minh Anh - Nam Định