Lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa VNPT và Vinaconex. Ảnh: Thái Khang

Phía sau cái bắt tay giữa VNPT và các “ông lớn”

ICTnews -- Tập đoàn VNPT đã ký thoả thuận đối tác chiến lược với Bảo Việt, IncomBank, VietcomBank, Vinaconex và đó chưa phải là những thoả thuận cuối cùng.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) có ‘ý đồ’ gì phía sau các thoả thuận hợp tác chiến lược với các tập đoàn tài chính, ngân hàng, xây dựng hàng đầu Việt Nam như vậy? Ông Nguyễn Bá Thước, Phó Tổng giám đốc VNPT đã trả lời phỏng vấn xung quanh sự kiện này.

Trong thời gian gần đây, VNPT đã ký kết hợp tác chiến lược với một số tập đoàn tài chính lớn như IncomBank, VietcomBank, Bảo Việt và Vinaconex. Mục tiêu của những sự hợp tác chiến lược này là gì và trong thời gian tới VNPT có tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với các đối tác nào nữa hay không?

VNPT ký thoả thuận hợp tác với các đối tác chiến lược để cùng sử dụng các dịch vụ của nhau và khai thác thế mạnh của nhau, tạo nên sức mạnh cho nhau. Đây là xu thế chung của các tập đoàn lớn và VNPT muốn chuyển xu thế này thành những hành động cụ thể. Chúng tôi đã, đang và sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khác để khai thác thế mạnh của VNPT cũng như khai thác thế mạnh của các đối tác của mình và tạo điều kiện sử dụng dịch vụ của nhau cũng như đầu tư chéo vào các lĩnh vực mà các doanh nghiệp cùng có thế mạnh. Đây là bước thể hiện chiến lược kinh doanh đa ngành nghề và đầu tư tài chính của VNPT. Chẳng hạn như Bảo Việt có thể đầu tư tài chính vào các dự án mà Chính phủ cho phép VNPT thực hiện. Ngược lại, VNPT cũng sẽ đầu tư vào các dự án của Bảo Việt mà các doanh nghiệp được tham gia.

Ông Nguyễn Bá Thước. Ảnh: Thái Khang

Bên cạnh việc hợp tác với Bảo Việt, VNPT cũng đã  triển khai nhiều dự án hợp tác với các Bộ, ban, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lớn… trên cả nước cũng như với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo nên sức mạnh tổng lực cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông hàng đầu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu, rộng vào WTO. Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác khác để khai thác thế mạnh của nhau theo hướng đa ngành nghề, lấy BCVT làm chủ lực, nhưng không hạn chế đầu tư tài chính vào các lĩnh vực khác. Chúng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực BCVT, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, xây dựng cơ bản, du lịch, tài chính… VNPT hiện có hệ thống đào tạo từ cấp kỹ thuật viên cho đến tiến sĩ và là doanh nghiệp duy nhất có tới 6 bệnh viện. Việc đa ngành nghề sẽ làm cho tầm vóc của VNPT lớn mạnh hơn.

Cùng với việc hợp tác chiến lược với Bảo Việt, IncomBank, VietcomBank và mới đây là quyết định được phép thành lập ngân hàng, phải chăng đây là những bước chuẩn bị để VNPT có thể thâm nhập sâu hơn vào kinh doanh dịch vụ tài chính ngân hàng?

VNPT sẽ hợp tác với Bảo Việt trên lĩnh vực chuyên ngành của Bảo Việt là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Từ trước đến nay Bảo Việt đã bảo hiểm tài sản hệ thống BCVT của VNPT. Trong khi đó, VNPT là cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Điều này không có gì mâu thuẫn khi Việt Nam bước vào kinh tế thị trường và gia nhập WTO. Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong một lĩnh vực sẽ tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp đó, tăng tính cạnh tranh để tự đổi mới và xóa dần tính "độc quyền" để lại trong quá trình phát triển từ trước đến nay. Với sự hợp tác này, PTI sẽ nhận được sự hợp tác, giúp đỡ từ Bảo Việt để năng động và phát triển tốt hơn. Đây cũng là mục đích mà VNPT hợp tác với Bảo Việt. Hiện Bảo Việt đang đóng vai trò là nhà bảo hiểm Việt Nam chủ lực cùng với PTI lãnh trách nhiệm bảo hiểm cho dự án phóng vệ tinh Vinasat vào tháng 3/2008. Bên cạnh đó Bảo Việt cũng sẽ tham gia bảo hiểm dự án Cáp quang biển của VNPT nối liên châu Á đi Mỹ. Ngược lại, Bảo Việt có rất nhiều các dự án đầu tư vào các lĩnh vực, cả trong và ngoài nước, VNPT cũng sẽ tham gia các dự án này để nhân sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Mới đây, Thủ tướng đã cho phép VNPT thành lập Ngân hàng Cổ phần Bưu điện trên cơ sở tái cơ cấu công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện. Hiện chúng tôi đang xây dựng phương án để tái cơ cấu và khai thác nguồn lực mà công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện đang có để nhanh chóng chuẩn bị cho việc thành lập Ngân hàng này. Đối với việc thành lập Ngân hàng của VNPT, Thủ tướng Chính phủ không hạn chế chúng tôi hợp tác với các đối tác chiến lược của mình như các ngân hàng thương mại và với cả Vinaconex để tạo thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện. Chúng tôi cũng sẽ trình Hội đồng Quản trị VNPT phương án có sự hợp tác của các đối tác lớn. Với sự gợi mở này, chúng tôi hy vọng Vinaconex sẽ tham gia khi VNPT tiến hành thành lập ngân hàng. 

Với việc ký kết đối tác chiến lược với Vinaconex, phải chăng VNPT muốn đặt chân cả sang lĩnh vực xây dựng?

Hiện Vinaconex là một trong những Tập đoàn xây dựng đầu tư nhiều vào các khu đô thị lớn. Vì vậy, việc ký kết đối tác chiến lược với Vinaconex là để hiện thực hoá mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề và đầu tư tài chính của VNPT. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không "lấn sân" sang lĩnh vực xây dựng cơ bản. Thoả thuận hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp nhằm khai thác và phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động và kinh doanh của mỗi bên, cùng xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết để hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. VNPT cam kết dành cho Vinaconex các dịch vụ tư vấn, thiết kế, xây dựng hạ tầng BCVT và CNTT hiện đại, độ an toàn cao, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thế giới tại các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các thành phố thông minh... do Vinaconex làm chủ đầu tư, đồng thời tư vấn và cung cấp các dịch vụ bảo hiểm toàn diện với điều kiện thuận lợi nhất. Với sự hợp tác này, phía Vinaconex sẽ có một hạ tầng mạng BCVT hiện đại, nâng cấp giá trị tổng thể của các công trình hạ tầng mà phía Vinaconex xây dựng. Các khách hàng khi sử dụng các công trình hạ tầng của  của Vinaconex đồng nghĩa với việc được sử dụng các dịch vụ BCVT với chất lượng cao, giá ưu đãi, được hỗ trợ tối đa về điều kiện kỹ thuật, thời gian khắc phục sự cố và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp này cũng cam kết việc tham gia góp vốn đầu tư vào các dự án của nhau và các doanh nghiệp thành viên đang trong quá trình hoặc sẽ cổ phần hoá hoặc huy động thêm vốn với tư cách là cổ đông chiến lược.

Xin cảm ơn ông!

NT

Thực hiện

  • Đọc toàn bộ bài viết tại báo Bưu điện Việt Nam số ra ngày 16/07/2007