Người dân tại các tỉnh phía Nam đang tìm hiểu để lắp đặt ĐMTMN. Ảnh: EVNSPC |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phía Nam chiếm trên 60% tổng công suất ĐMTMN của tập đoàn. Đó là nhờ phía Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cường độ bức xạ mặt trời khá cao so với trung bình cả nước.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Văn Lý chia sẻ, tính đến hết tháng 9/2020, toàn hệ thống của EVNSPC có 3.426MWp năng lượng mặt trời vận hành trên lưới. Trong đó, có 54 dự án điện mặt trời nối lưới với công suất 2.674MWp trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, Long An, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và Ninh Thuận, tăng 90MWp so với tháng 8/2020. Gần 26.192 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất 752MWp, chiếm trên 60% tổng công suất năng lượng mặt trời mái nhà toàn EVN.
Theo Báo Chính phủ, EVNSPC có thêm 15.579 khách hàng từ đầu năm tới nay, tổng công suất tấm pin lắp đặt là trên 572 triệu kWp, vượt 63% kế hoạch của cả năm 2020 (350 MWp). Sản lượng điện khách hàng phát lên lưới trong tháng 9 là 55,3 triệu kWh, lũy kế từ đầu năm đến nay là 250,7 triệu kWh. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng công ty đã thanh toán cho khách hàng hơn 360 tỷ đồng với sản lượng tương ứng là 171,6 triệu kWh.
Với lợi thế khí hậu, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời với trung bình 1.600-2.700 giờ nắng trong năm và bức xạ trung bình từ 4-5 kWh/kWp mỗi ngày. Từ Ninh Thuận trở vào, nguồn năng lượng mặt trời rất tốt và phân phối tương đối đều cả năm. Trừ những ngày mưa gió, 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời.
Ngoài hộ gia đình, EVNSPC nhắm đến là các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, nhà xưởng… những nơi có thể lắp đặt các hệ thống ĐMTMN trong thời gian tới.
Hải Lam
Cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào dự án tiết kiệm năng lượng
Các doanh nghiệp thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước thông qua một số dự án.