Raskin gặp phải khó khăn là Jobs coi ông như một nhà lý luận không thể chịu đựng nổi, hay sử dụng chính xác từ ngữ của Jobs là “một tên đầu đất khó ưa”. Vì vậy Raskin đã nhờ Atkinson, người đứng ở bên kia ranh giới trong định nghĩa về tên đầu đất và thiên tài của Jobs, cố gắng thuyết phục Jobs chú ý tới những gì đang xảy ra ở Xerox PARC.
Nhưng Raskin không biết rằng Jobs đang nghiên cứu một thương vụ lớn hơn nhiều. Quỹ đầu tư mạo hiểm của Xerox muốn tham gia vào việc phân chia cổ phần và nâng vốn lần hai của Apple vào mùa hè năm 1979.
Jobs đã đề nghị: “Chúng tôi sẽ cho phép Xerox đầu tư 1 triệu đôla vào Apple nếu Xerox chia sẻ dữ liệu nghiên cứu có được ở PARC”. Và Xerox đã chấp nhận chuyển giao cho Apple công nghệ mới của họ và ngược lại, mua 100.000 cổ phần của Apple với giá 10 đôla/cổ phiếu.
Vào thời điểm Apple cổ phần hóa một năm sau đó, số cổ phần mà Xerox mua với giá 1 triệu đôla trước đó đã có giá trị 17,6 triệu đôla.
Nhưng Apple là người được lợi hơn trong thương vụ trao đổi này. Jobs và đồng nghiệp đã đến Xerox PARC để tham quan, nghe thuyết trình về công nghệ của Xerox một cách đầy đủ hơn vào tháng 12 năm 1979.
Steve Jobs. Nguồn: gqmagazine. |
Larry Tesler là một trong số những nhà khoa học ở Xerox phụ trách thuyết trình về công nghệ cho các vị khách quý. Ông hồi hộp khi trình bày về công trình mà những người chủ của ông thậm chí chưa bao giờ đánh giá cao nó.
Người có trách nhiệm thuyết trình khác, Adele Goldberg, lại lo sợ rằng công ty của bà dường như đang sẵn sàng cho đi thứ báu vật quý giá nhất. “Việc này thật là ngu ngốc và tôi cố gắng tìm mọi cách để Jobs biết được ít nhất có thể”, bà nói. Goldberg có cách của mình trong buổi giới thiệu tóm tắt đầu tiên.
Jobs, Raskin và trưởng nhóm phát triển Lisa - John Couch được dẫn tới sảnh chính, nơi Xerox Alto đã được xếp sẵn ở đó. Goldberg kể: “Đó là một buổi trình diễn nằm trong tầm kiểm soát. Chúng tôi chỉ giới thiệu một vài ứng dụng, chủ yếu là ứng dụng xử lý văn bản”. Jobs không hài lòng nên ông gọi điện thẳng đến trụ sở của Xerox yêu cầu được giới thiệu nhiều hơn.
Và Jobs được mời quay lại Xerox vài ngày sau đó. Lần này, ông mang theo một “đội quân” đông đảo hơn nhiều, bao gồm cả Bill Atkinson và Bruce Horn, một lập trình viên của Apple, người từng làm việc tại Xerox PARC. Họ đều biết mình đang tìm kiếm cái gì. Goldberg kể: “Khi đến công ty, tôi nghe thấy có rất nhiều tiếng ồn và tôi được thông báo rằng Jobs cùng rất nhiều lập trình viên của ông đang ở trong phòng hội nghị”.
Một trong những kỹ sư của Goldberg lúc đó đang cố gắng giúp họ giải trí với màn trình diễn sâu hơn về chương trình xử lý văn bản. Nhưng Jobs ngày càng mất bình tĩnh. Ông hét lớn: “Hãy dừng việc diễn cái trò vớ vẩn này lại ngay!”.
Một số nhân viên của Xerox túm tụm lại trao đổi với nhau và quyết định cởi mở hơn một chút nữa nhưng thật chậm rãi. Họ thỏa thuận rằng Tesler có thể trình bày về Smalltalk, một ngôn ngữ lập trình của Xerox nhưng chỉ là bản chưa được phân loại. Người đội trưởng nói với Goldberg: “Nó sẽ lòe được Jobs vì ông ta chẳng bao giờ biết được rằng đây không phải là bản chính thức”.
Nhưng họ đã mắc phải sai lầm lớn. Atkinson và những người khác đã nghiên cứu kỹ những tài liệu công bố của Xerox PARC nên họ có thể biết chính xác là phiên bản họ đang được giới thiệu không phải là phiên bản đầy đủ như được mô tả. Jobs gọi điện ngay cho Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm Xerox phàn nàn về sự việc này.
Ngay lập tức, trụ sở chính của công ty ở Connecticut đã gọi điện về Xerox PARC ra chỉ thị rằng Jobs và nhóm của ông phải được giới thiệu về mọi thứ một cách chính xác và đầy đủ nhất. Goldberg đùng đùng tức giận bỏ đi.
Cuối cùng, khi Tesler chỉ cho Apple thấy vấn đề cốt lõi nằm sau những bí ẩn công nghệ của Xerox, họ đã thật sự kinh ngạc. Atkitson nhìn chằm chằm vào màn hình, tiến lại kiểm tra từng pixel một cách gần nhất và gần tới mức Tesler có thể nghe thấy hơi thở từ trong cổ họng của ông. Jobs quay sang trao đổi với mọi người và vẫy tay một cách thích thú.
Tesler kể lại: “Jobs đứng lên ngồi xuống nhiều quá khiến tôi không biết ông ấy có thật sự theo dõi hết buổi trình bày của tôi hay không nhưng sự thật là ông ấy đã nghe hết và không ngừng đặt ra cho tôi những câu hỏi. Ông ấy bày tỏ sự cảm phục đối với từng bước trong bài thuyết trình của tôi”.
Jobs liên tục nói rằng ông ấy không thể tin rằng Xerox chưa cho triển khai kinh doanh công nghệ này. Ông hét lớn: “Các bạn đang ngồi trên một mỏ vàng. Tôi không thể tin nổi rằng Xerox đã không tận dụng nó!”
Buổi thuyết trình về Smalltalk chỉ ra ba tính năng đáng kinh ngạc. Một là cách thức những chiếc máy tính kết nối với nhau; hai là cách thức hoạt động của ngôn ngữ lập trình định hướng đối tượng. Nhưng Jobs và đồng nghiệp của ông ít chú ý tới hai điều này hơn bởi vì họ hoàn toàn bị ấn tượng bởi tính năng thứ ba: giao diện đồ họa được tạo bởi kỹ thuật mã hóa ảnh nhị phân.
Jobs nói: “Dường như tấm màn che mắt tôi đã được vén lên. Tôi có thể nhìn thấy tương lai của công nghệ chế tạo máy tính”.
Sau khi cuộc gặp gỡ hơn hai tiếng tại Xerox PARC kết thúc, Jobs lái xe đưa Bill Atkinson quay trở lại văn phòng của Apple tại Cupertino. Vừa lái xe, Jobs vừa suy nghĩ và thảo luận.
Ông phấn khích nói: “Chính là nó, Bill. Chúng ta phải làm được nó”, nhấn mạnh từng từ một. Đó là sự đột phá mà Jobs đang tìm kiếm: Mang máy tính tới khách hàng với những thiết kế đẹp mắt, kinh tế nhất như những thiết kế nhà của Eichler và tiện dụng như những thiết bị đẹp mắt trong phòng bếp.
Jobs hỏi Atkinson: “Anh nghĩ chúng ta sẽ mất bao lâu để hoàn thành nó?”. Atkinson đáp lại: “Tôi không rõ lắm, có thể sáu tháng”. Đó là sự ước lượng thời gian hơi điên rồ một chút nhưng có tính khả cũng là một động lực thúc đẩy chúng tôi.
Việc Apple “đột kích” Xerox PARC đôi khi được miêu tả là một trong những phi vụ “trộm cắp” lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Jobs cũng có lúc tán thành quan điểm này một cách đầy tự hào.
Có lần ông nói: “Picasso có một câu nói rất hay Người nghệ sĩ giỏi là người có khả năng sao chép, còn người nghệ sĩ vĩ đại thì phải có khả năng đánh cắp ý tưởng - và chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn rằng mình đã đánh cắp những ý tưởng tuyệt vời đó”.
Một đánh giá khác cũng được Jobs đồng tình là: Những gì được tiết lộ không phải là sự đánh cắp ý tưởng của Apple mà là do sự lóng ngóng, vụng về của Xerox thì đúng hơn.
Jobs nói về Ban Quản lý của Xerox như sau: “Họ là những bộ não có khả năng sao chép nhưng không có ý tưởng nào về những gì máy tính có thể làm được. Họ đã nhận phần thất bại từ chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử công nghệ máy tính. Xerox đáng lẽ có thể sở hữu toàn bộ ngành công nghiệp máy tính này”.
Cả hai cách đánh giá này đều có phần đúng nhưng không chỉ có như thế. Theo T.S Eliot thì giữa nhận thức và sáng tạo vẫn còn một khoảng tối. Trong lịch sử của các cuộc cách tân, những ý tưởng mới chỉ là một vế của phương trình. Vế còn lại quan trọng hơn là hành động.
Jobs và đội ngũ kỹ sư của ông đã cải tiến một cách đáng kể ý tưởng về giao diện đồ họa mà họ thấy ở Xerox PARC, và đặc biệt, sau đó có thể thể hiện chúng theo cách mà Xerox không bao giờ có thể đạt được.
(Theo Zing)