Tân Châu là huyện biên giới phía Bắc của tỉnh Tây Ninh, gồm 15 dân tộc anh em sinh sống tại 12 xã, thị trấn. Đầu năm 2024, toàn huyện chỉ còn 58 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,15% và 261 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,67%. So với năm 2021, tổng số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm được là 342 hộ.  

Trong 2 năm 2023-2024, huyện được phân bổ hơn 4,68 tỷ đồng để thực hiện các mô hình hỗ trợ từ dự án 2: Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình MQTG giảm nghèo bền vững. 

Huyện thực hiện 17 mô hình giảm nghèo và dự án phát triển sản xuất, bao gồm 14 mô hình nông nghiệp và 3 mô hình phi nông nghiệp. Tổng cộng có 208 hộ, trong đó có 21 hộ nghèo, 80 hộ cận nghèo, 87 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng, 20 người khuyết tật không có sinh kế ổn định cùng 17 hộ làm kinh tế giỏi.  

Các mô hình đã chứng minh hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại huyện Tân Châu có thêm cơ hội phát triển sản xuất. Theo bà con, cách tiếp cận này còn khơi dậy tinh thần tự lực, tạo động lực để hộ khó khăn vươn lên, nâng cao đời sống và hướng tới sự bền vững. 

Hộ chị Trần Thị Huệ, ở khu phố 1, thị trấn Tân Châu, vốn là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Thu nhập từ công việc bán vé số của chồng chị không đủ để nuôi chị Huệ ốm đau quanh năm cùng 3 con nhỏ. Rồi chị được địa phương hỗ trợ sinh kế mua tủ kính, bếp nướng, bàn ghế và quầy bán hàng để mở một quán cháo chay nhỏ.

Sinh kế phi nông nghiệp này giúp gia đình chị thêm thu nhập, cuộc sống bớt khó khăn hơn, các con được học hành đầy đủ, còn anh chị càng phấn đấu vươn lên, mong một ngày không còn là hộ nghèo nữa. 

Cũng ở thị trấn Tân Châu, gia đình anh Phạm Thanh Vũ, khu phố 2, vốn là hộ cận nghèo, cuối năm 2024 cũng đổi đời thoát khỏi chữ nghèo đeo bám. Mấy năm trước, anh Vũ là thợ hồ, thu nhập bấp bênh, thiếu thốn đủ bề. Đến khi được hỗ trợ 23 triệu đồng để mua máy trộn hồ, máy cắt gạch, khoan điện, xe rùa, giàn giáo..., anh như tìm thấy lối thoát, nhận các công trình riêng thay vì chỉ đi làm thuê như trước. Nhờ có sinh kế hỗ trợ, anh Vũ có thêm việc làm, thu nhập ổn định hơn.

Lãnh đạo UBND thị trấn Tân Châu nhấn mạnh phương châm trong tiếp cận các dự án giảm nghèo tại địa phương là "lấy nhu cầu của người dân làm trung tâm", người dân tự lựa chọn vật tư, sinh kế hỗ trợ dựa trên nhu cầu và thế mạnh của gia đình. Giá cả được tính theo giá thị trường và có sự xác nhận của UBND thị trấn để bảo đảm minh bạch và hiệu quả.

Xã Tân Thành lại lựa chọn sinh kế nông nghiệp để hỗ trợ bà con do điều kiện nông thôn, trong đó, bò sinh sản là vật nuôi được địa phương triển khai hỗ trợ. Với mô hình này, các hộ có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, chăm sóc bò cũng đơn giản, mở cơ hội cải thiện thu nhập.

W-Tây Ninh   Nguyễn Huế 5.jpg
Diện mạo nhiều làng quê ở Tây Ninh đổi thay nhờ hiệu quả các chương trình giảm nghèo. 

Một trong các hộ được hỗ trợ là gia đình bà Trần Thị Thảo, ấp Đồng Kèn 1, thuộc hộ nghèo, sức khoẻ kém và hoàn cảnh khó khăn. Từ con bò được hỗ trợ, sinh ra một con bê, bà lại bán bê mua thêm con bò mẹ. Vậy là nay bà có 2 con bò đang mang thai, dự kiến sẽ có thêm bê con trong thời gian tới. Không chỉ được hỗ trợ vốn, bà còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, rất phấn khởi. Trên đà mở cơ hội thoát nghèo, gia đình còn nuôi thêm vịt, gà để tăng thu nhập. Bà kỳ vọng sẽ sớm thoát nghèo.

Tại huyện Tân Châu, các mô hình hỗ trợ sinh kế được thiết kế dựa trên việc lắng nghe và đánh giá nhu cầu thực tế của người dân, được địa phương giám sát chặt chẽ. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, nhiều hộ dân mạnh dạn vay thêm vốn để chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Mới đây, kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo năm 2024 cho thấy tổng số hộ nghèo và cận nghèo của huyện giảm từ 319 hộ năm 2023 về 260 hộ. Cụ thể, số hộ nghèo giảm còn 42 hộ, chiếm 0,11%; hộ cận nghèo còn 218 hộ, chiếm 0,57%. Kết quả khả quan này giúp huyện Tân Châu vượt chỉ tiêu giảm nghèo được UBND tỉnh giao và đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra.