- ĐB Nguyễn Bá Thuyền kể, khi tiếp xúc cử tri có người nói: “Có phải cho phi hình sự hóa tội cố ý làm trái để giải cứu cán bộ ra tù”.
Hôm nay, QH thảo luận tại hội trường dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (BLHS). ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng dự thảo BLHS lần này hết sức nhân đạo như việc giảm nhiều hình phạt tử hình, phi hình sự hóa một số loại tội.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền. |
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn với quy định phi hình sự hóa tội cố ý làm trái. ĐB tỉnh Lâm Đồng lưu ý ban soạn thảo nên cân nhắc với việc phi hình sự hóa “tội cố ý làm trái”. Bởi theo ông, khi tiếp túc cử tri có người hoài nghi: “Có phải cho phi hình sự hóa để giải cứu cán bộ ra tù”.
Từ đó, ông đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ và thông tin cho ĐBQH biết, hiện có bao nhiêu cán bộ đang phải đi tù vì “tội cố ý làm trái”, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vì tội này.
“Nếu chúng ta bỏ tội cố ý làm trái, đương nhiên những người đang bị khởi tố, điều tra, xét xử về tội này sẽ bị đình chỉ; những người đang thi hành án sẽ được ra tù. Nếu thế, kể cả trong vụ án Vinashin cũng được tha, ra tù ngay lập tức”, ĐB Thuyền lo ngại.
Ông yêu cầu ban soạn thảo giải thích kỹ việc này trước khi QH bấm nút. Vì nếu cứ để như thế sẽ tha hết những người đang phạm tội này ra tù.
“Như vậy là chúng ta có tội với nhân dân”, ĐB Thuyền nói.
Chứng minh “đòi” hối lộ là tiếp tay cho tham nhũng
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng bày tỏ băn khoăn với quy định tại Điều 353 về tội nhận hối lộ.
Cụ thể, bộ luật cũ quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất cứ một lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm được việc là phạm tội tham nhũng”.
Nay, dự thảo BLHS sửa đổi lại quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”.
“Trong dự thảo ghi thêm từ “đòi”, theo tôi không thể chứng minh được ai đòi nhận hối lộ cả, nếu ghi thêm từ “đòi” thì gần như chúng ta đã tiếp tay cho tội phạm tham nhũng. Nếu không bỏ từ này, tôi nghĩ nhân dân sẽ không đồng tình”, ông Thuyền nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quy định không thi hành án tử hình với tham ô sẽ khiến người dân hiểu rằng “dùng tiền để cứu mạng”, làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng đối với tình trạng tham ô, hối lộ.
ĐB Tô Văn Tám. |
ĐB Kon Tum cho rằng tính nhân đạo, khoan hồng trong luật hình sự là cần thiết khi người phạm tội đã ăn năn hối cải, nhận rõ hành vi sai trái của mình, chủ động khắc phục hâu quả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, chỉ nên ghi nhận việc này trong giai đoạn phát hiện xử lý tội phạm. Còn sau khi tuyên án tử hình, việc khoan hồng không còn chủ động, tích cực nữa.
“Lúc đó, vì quá sợ tử hình mà người phạm tội phải khắc phục hậu quả để cứu lấy sự sống của mình”, ông Tám nói.
Theo ĐB Tô Văn Tám, quy định như dự thảo dễ dẫn đến tư tưởng người phạm tội chờ xem án tuyên ra sao. Nếu tuyên án tử hình, họ mới khắc phục hậu quả để tránh bị tử hình. Nếu không tuyên tử hình, họ sẽ tìm cách giữ tài sản tham nhũng, hối lộ.
Vì vậy, ông đề nghị không quy định việc bỏ án tử hình đối với tội tham ô vào BLHS sửa đổi mà chỉ đưa các tình tiết: chủ động khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng,… trong phát hiện xử lý tội phạm thành tình tiết giảm nhẹ. Như vậy, đối tượng phạm tội này vẫn có cơ hội thoát án tử hình.
Thu Hằng