Một phi công nhân tạo được lập trình bởi các tiến sĩ thuộc Đại học Cincinati đã cho thấy rằng, trí thông minh nhân tạo không chỉ đánh bại được “bạn đồng môn” của chúng (những trí thông minh nhân tạo khác), mà còn có thể đánh bại được cả phi công lão luyện nhất.
Đại tá Gene Lee thuộc Không lực Hoa Kỳ, người đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm không chiến bước vào cuộc đấu trên không “một mất một còn” với hệ thống trí thông minh nhân tạo này. Và kết quả thật bất ngờ, phi công nhân tạo kia đã có thể tránh né được lão tướng Lee và thậm chí bắn hạ ông trong mọi lần giao tranh. Lee đã gọi nó là “hệ thống trí thông minh nhân tạo dữ dội, phản ứng nhanh, năng nổ và đáng tin cậy nhất cho tới thời điểm này”.
Nếu bạn “đổ tội” cho người lính không quân kia là “kém tài” thì bạn đã lầm. Gene Lee là cựu Quản Lý Trực Chiến và người điều hướng chiến thuật của Không lực Hoa Kỳ. Ông đã điều khiển và trực tiếp bay hàng ngàn chuyến với vai trò là phi công lẫn chỉ huy nhiệm vụ. Ngắn gọn lại, thì tướng Lee biết rõ mình đang làm gì. Bên cạnh kinh nghiệm thực chiến, ông còn “đánh trận giả” với các hệ thống trí tuệ nhân tạo nhiều thập kỷ rồi.
Nhưng lần này, ông đã thực sự bất ngờ. “Hệ thống này thực sự nhận biết được ý đồ của tôi ngay lập tức và triển khai ứng phó rất nhanh. Tất cả đường bay và việc triển khai tên lửa tấn công của tôi đều bị nó ‘bắt bài’. Và nó chuyển thế phòng thủ-tấn công một cách rất hợp lý với tình hình nó đang đối mặt”.
Hệ thống AI này có tên là ALPHA, được phát triển bởi công ty Psibernetix, thành lập bởi tiến sỹ Nick Ernest thuộc Đại học Cincinati, liên kết với Viện Nghiên cứu của Không Lực Hoa Kỳ. Theo như các nhà phát triển, ALPHA được thiết kế riêng để thiết lập môi trường giả lập các nhiệm vụ không chiến.
Bí mật đứng sau sự thành công của ALPHA là hệ thống đưa ra quyết định tân tiến, tạo nên bởi các thuật toán logic. Các vấn đề mà hệ thống này phải giải quyết cũng giống như các vấn đề mà một phi công gặp phải. Nó sẽ “to xé thành bé”, biến vấn đề lớn thành các vấn đề nhỏ hơn và tiến hành xử lý chúng, bao gồm những hành động phản ứng ngay lập tức như tấn công, tránh né hay tiến hành phòng thủ. Tất cả đều được tính toán nhanh và chính xác, từ đó tạo nên một “phi công giả lập” cực kì thông minh, có thể tính toán nhanh hơn 250 lần cái chớp mắt của đối thủ.
Sau nhiều giờ “tham chiến” chống lại hệ thống AI mang tên ALPHA, tướng Lee đã phải chấp nhận thất bại: “Trở về nhà, tôi cảm thấy thật mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Có thể nó chỉ là hệ thống của trí thông minh nhân tạo thôi, nhưng thực sự nó là một thử thách cực kỳ khó khăn đối với tôi”.
Theo Trí thức trẻ/PopScience