Theo Quyết định số 1988/QĐ-TTTT do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) ký ngày 16/11/2015, gửi đến Chánh văn phòng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, có 12 nhiệm vụ sẽ được triển khai theo Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Trong số các nhiệm vụ này có những nhiệm vụ đáng lưu ý như Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Bảo đảm an toàn thông tin và ứng cứu, khắc phục sự cố an toàn mạng; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai Nghị quyết 36a.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, Chánh Văn phòng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nghị quyết 36a/NQ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết rất cụ thể như sau, trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).

Phấn đấu đến hết năm 2016, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của LHQ.