Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Chiều 9/11, các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong số các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 theo Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài ra cần rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia.
Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng.
Thúc đẩy tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng xây dựng dự án đường bộ cao tốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030.
Yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Khẩn trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch; thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay ở cấp cơ sở.
Quốc hội quyết nghị 15 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD.
Trước khi thông qua Nghị quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước năm 2024 sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%.
Theo ông Thanh, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024.
Mức tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đồng thời, để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện mục tiêu cho năm 2024.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong công tác điều hành cần chủ động hơn nữa để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Quốc hội đặt ra các chỉ tiêu cho năm 2024:
1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.
2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%.
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 - 4,5%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%.
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.
8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, do dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ chi cho cải cách tiền lương.