Bác sĩ Hồ Trung Cường, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn cho một bé trai 3 tuổi.
Theo đó, khuya ngày 31/5, bệnh nhi nhập viện vì có khối phồng vùng bẹn gây đau. Mẹ bé cho hay, bé đau bụng trước đó vài ngày nhưng không nhiều. Đến khi bé than đau quá, mẹ kéo quần kiểm tra thấy khối phồng ở vùng bẹn nên đưa con đi bệnh viện ngay trong đêm.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy bé thiếu tinh hoàn một bên bìu nên nghĩ có thể bị xoắn tinh hoàn ẩn. Kết quả siêu âm ghi nhận chẩn đoán trên và không thấy tưới máu tinh hoàn. Bệnh nhi nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu.
Các bác sĩ đã tháo xoắn và chờ đợi nhưng tinh hoàn vẫn không thể hồi phục. Sau đó, ê-kip buộc cắt bỏ bên tinh hoàn đã hoại tử, đồng thời cố định bên còn lại để không bị xoắn trong tương lai.
“Điều đáng tiếc là gia đình đã biết bé bị tinh hoàn ẩn từ trước, nhưng thương con nhỏ quá nên ngại mổ. Từ đó dẫn đến hậu quả thật đáng buồn”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Các bác sĩ cho biết, trong thời kì phôi thai, tinh hoàn nằm trong ổ bụng và di chuyển dần xuống bìu. Tình trạng không thấy tinh hoàn nằm ở bìu được gọi là tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ, khá phổ biến ở các bé trai.
Khi đó, trẻ cần được phẫu thuật, đưa tinh hoàn xuống bìu ở giai đoạn 6 tháng tuổi bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở. Nếu chậm trễ can thiệp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn, có thể biến chứng sang teo tinh hoàn hay chuyển sản ác tính.
Trong khi đó, xoắn tinh hoàn xảy ra khi cuống mạch máu nuôi tinh hoàn bị xoắn, ảnh hưởng đến việc tưới máu, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây hoại tử tinh hoàn, buộc phải cắt bỏ.
Bác sĩ Cường khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát cơ quan sinh dục của các bé, vì thường bị ẩn giấu sau tã hoặc quần nên ít được quan tâm. “Bất cứ một bất thường nào dù là nhỏ nhất cũng nên đưa bé đi khám bệnh để được tư vấn”, bác sĩ Cường nói thêm.
Linh Giao
Tần suất quan hệ và sự hài lòng về tình dục của nam giới bị dịch Covid-19 kéo giảm ra sao?