Việc xử phạt lái xe vượt đèn vàng là không sai, nhưng cần linh hoạt áp dụng vào từng trường hợp thực tế, tránh tạo áp lực cho người dân.
Dân bức xúc là đúng
Thời gian qua, nhiều đơn khiếu nại, thậm chí các đơn kiện CSGT đang phát sinh liên quan đến việc xử lý lỗi các chủ phương tiện ô tô, xe máy vượt đèn vàng. Bộ GTVT cũng đã nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội và đang xem xét để hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Trước câu chuyện trên, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, việc xử lý vượt đèn vàng chủ trương là không sai, nhưng việc xử lý bằng mắt thường của cảnh sát giao thông là rất khó khả thi và có thể dẫn đến tùy tiện.
Bởi thế, người dân, các chủ phương tiện đều không đồng tình khi đưa vào thực tiễn. Nhất là khi, việc xử phạt hành chính này do công an đề xuất nhưng lại không xin ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như người dân, nên người dân mới phản ứng.
Ông Liên đặt câu hỏi: "Trường hợp vượt qua giao lộ khi có đèn vàng cũng là vượt và đi qua vạch khi có đèn vàng cũng là vượt, như vậy ranh giới xác định việc vượt hay không vượt rất mong manh.
Đèn tín hiệu chuyển sang vàng, nhưng một số người vẫn không dừng lại trước vạch dừng. Ảnh TPO |
Xe đang chạy với vận tốc 40km/h, cách vạch dừng lại 2m thì đèn vàng nhảy lên, lúc đó mà chạy qua thì bị phạt, thắng lại thì đảm bảo là ngã xe gây tai nạn. Nếu tôi chạy xe với tốc độ 30-60km/h khi cách vạch dừng quá gần khoảng 3 mét trở lại mà đèn vàng thì làm sao thắng kịp. Vậy quy định này có phản khoa học không?.
Hơn nữa, nếu không có những văn bản hướng dẫn chi tiết, rất khó để phân định thế nào là vượt đèn vàng. Điều này khiến cho việc phân định hành vi trở nên mơ hồ dễ dẫn đến việc cảnh sát giao thông xử lý theo cảm tính.
Về điểm này nếu không xử lý triệt để, tác dụng của đèn vàng sẽ gần như bị hóa giải và trở nên vô nghĩa, còn người dân có thể sẽ tiếp tục bức xúc cho rằng mình bị mất tiền phạt oan.
Cho nên, phải làm như thế nào để bình đẳng, đảm bảo xử phạt một cách nghiêm minh, thuyết phục người dân".
Bên cạnh đó, theo ông Liên, hệ thống công an, cảnh sát giao thông đang không có sự minh bạch nên ngoài việc xử phạt còn có nhiều yếu tố tiêu cực, nên dân càng khó chịu.
"Tôi đã đi 9 nước để khảo sát thực tế chưa thấy nước nào áp dụng xử lý xe vượt đèn vàng, vì người dân tuân thủ Luật giao thông rất tốt.
Ở Australia, các bang đều có quy định tương tự nhau về đèn vàng. Theo đó, điểm quan trọng nhất mà tài xế cần hiểu là "đèn vàng không phải điểm cuối của đèn xanh, mà là điểm bắt đầu của đèn đỏ" nên đương nhiên tài xế khi nhìn thấy đèn vàng phải chủ động dừng lại.
Tại Nhật và nhiều nước châu Âu cũng có quy định giống Australia và Mỹ, đèn vàng phải dừng, nhưng nếu dừng mất an toàn thì được đi. Thậm chí ở Đức còn có đèn vàng ở giữa thời điểm chuyển từ đỏ sang xanh.
Muốn tạo điều kiện cho xã hội phát triển một cách bền vững trong đó có ngành vận tải thì tất cả các dự thảo đưa ra cần lấy ý kiến người dân, tổ chức chính trị - xã hội, các nhà khoa học, chứ không thể tùy tiện như hiện nay.
Việc này, Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ phải lắng nghe ý kiến của dân, dân chưa hiểu thì giải thích cho dân hiểu. Cần làm rõ khái niệm thế nào là vượt đèn vàng, như thế nào là bị coi vi phạm, mức xử phạt thế nào là hợp lý, tránh việc nảy sinh vấn nạn tiêu cực", ông Liên nhận định thêm.
Tốt nhất nên bỏ quy định xử phạt vượt đèn vàng
Cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho rằng, ông luôn phản đối quy định trên ngay từ khi nó được ban hành áp dụng.
Ông chỉ ra rằng, hệ thống đèn tín hiệu của thế giới đều có đèn vàng để có giai đoạn chuyển tiếp từ xanh sang đỏ, không tạo ra tâm lý đột ngột cho người đi xe. Tại sao thế giới dùng đèn vàng là như vậy?. Nó sẽ tạo một giai đoạn quá độ để tài xế bình tĩnh tiếp nhận tín hiệu đèn đỏ.
Còn chúng ta đang dựa theo quy định trên để xử phạt, nhưng việc áp dụng phải tùy theo thực tế chứ không phải như robot điều khiển 1 là 1, 2 là 2.
Việc xử phạt tất nhiên đã nêu ở Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ có hiệu lực từ 1/8/2016, với mức xử phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Chính vì thế, việc cơ quan công an, cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt là không sai.
Tuy nhiên, người công an phải có xử linh hoạt trong khi tiến hành xử lý thực tế, nếu có đi quá vạch một chút mà xử phạt nặng tiền triệu như đèn đỏ là hơi quá, mới gây bức xúc. Vấn đề mấu chốt ở đây là tăng mức phạt, tăng số tiền xử lý vi phạm ngang bằng đèn đỏ mới gây bức xúc.
Chúng ta đã có những bài học nhãn tiền từ các nước, như Trung Quốc ngày 1/1/2013, nước này bắt đầu quy định phạt vượt đèn vàng. Tài xế vượt đèn vàng sẽ bị phạt giống như vượt đèn đỏ, với mức phạt tăng gấp đôi, từ mức trừ 3 điểm lên 6 điểm trong tổng số 12 điểm của bằng lái xe. Tuy nhiên quy định này phải dỡ bỏ chỉ sau 1 tuần đưa vào thực hiện.
"Cho nên, tôi nghĩ cần xem lại mức phạt đối với hành vi vượt đèn vàng thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ, xác định rõ trong trường hợp như thế nào mới tiến hành xử phạt. Hơn hết, phải làm sao để dân nghiêm túc chấp hành Luật giao thông, học hỏi Singapore. Khi đó sẽ không còn lỗi vi phạm để tranh cãi", ông Thủy nhấn mạnh.
(Theo Báo Đất Việt)
Viên gạch cùng mảnh giấy đặt trên nắp capo và lời cảnh cáo thâm thúy gửi người tài xế
Chủ xe ô tô hẳn là sẽ "hoảng hồn" khi thấy hai vật kì lạ trên nắp ca pô như thế này.
Cầm gạch đập vỡ kính ô tô, nam thanh niên nhận cái kết ê chề
"Nóng mặt" vì nghĩ ô tô chắn đường, nam thanh niên cầm gạch đập vỡ kính xe ô tô. Nhưng ngay lập tức, người này đã phải nhận hậu quả ê chề vì hành động nóng nảy của mình.
Clip cận cảnh thanh niên hì hụi 15 phút để trộm... bánh xe máy
Nhiều người cảm thấy khó hiểu với hành động trộm cắp của thanh niên trong đoạn clip dưới đây.