Đông Nam Á trong cuộc đua phát triển xe điện

{keywords}
Malaysia "chậm chân" trong phát triển xe điện (Ảnh: Paultan)

Tờ Paultan đánh giá, Malaysia dường như đang tụt hậu trong việc phát triển xe điện so với các quốc gia trong khu vực, mặc dù đã từng dẫn đầu trong cuộc đua xe xanh từ năm 2010.

Nhóm nghiên cứu của Maybank Investment Bank Research cho biết, lộ trình cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô Malaysia (nêu trong Chính sách ô tô quốc gia NAP 2020) thiếu rõ ràng. Kế hoạch đã không cung cấp những chi tiết cụ thể về bất kỳ ưu đãi nào cho các doanh nghiệp trong ngành và các dự án ô tô mới.

Theo kế hoạch, Malaysia đặt mục tiêu đạt được 125.000 trạm sạc và sẵn sàng hoạt động vào năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo này đánh giá, Malaysia thiếu những cột mốc rõ ràng mà các nước ASEAN hàng đầu như Thái Lan, Indonesia và Singapore đã đề ra.

Năm 2015, Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất 1,2 triệu xe điện vào năm 2026. Như một phần của cam kết này, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch theo 3 giai đoạn, kéo dài đến hết năm 2036 với nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, các tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng…

Thái Lan thể hiện rõ tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực vào năm 2025.  Tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch đưa nước này trở thành trung tâm của xe điện vào năm 2025 với mục tiêu sản xuất 250.000 xe điện, 3.000 xe buýt điện và 53.000 xe máy điện. Chính phủ Thái đã giảm thuế cho các nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất pin để có thể hoàn thành những mục tiêu đầy tham vọng này.

Trong khi đó, Indonesia cũng đang tìm kiếm các phương thức để phương tiện điện khí hóa chiếm ít nhất 20% tổng sản lượng vào năm 2025. Quốc gia này cũng đặt ra các mục tiêu rõ ràng là sản xuất  2.200 xe điện, 711.000 xe Hybrid và 2,1 triệu xe máy điện.

Singapore công bố dự định loại dần các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) vào năm 2040 đồng thời đưa ra một số ưu đãi cho người mua xe điện và cam kết xây dựng thêm các trạm sạc cho xe điện.

Cách tiếp cận rõ ràng là hoàn toàn khác nhau giữa các nước trong khu vực, và điều này đã dẫn đến những kết quả hoàn toàn khác biệt.

Hiện nay, sản xuất xe tại Malaysia vẫn chủ yếu là động cơ đốt trong. Vừa qua, Porsche lên kế hoạch mở một nhà máy sản xuất đặt tại Malaysia. Nếu được xây dựng, đây sẽ là nhà máy Porsche đầu tiên nằm ngoài nước Đức. Theo nhiều nguồn tin, dự kiến nhà máy sẽ đặt tại tỉnh Kedah thuộc phía Bắc Malaysia. Rất có thể Macan và Cayenne SUV có thể sẽ là những mẫu xe được lắp ráp tại đây.

Trong khi kế hoạch của Porsche còn chưa rõ ràng thì Malaysia cũng đã để mất Hyundai khi hãng xe này đang chuyển nhà máy sang Indonesia như một phần của việc thành lập nhà máy trị giá 1,55 tỷ USD.

Hyundai không phải là nhà sản xuất ô tô duy nhất đầu tư vào Indonesia. Quốc gia này đã thu hút các nhà sản xuất như Toyota hay hãng sản xuất pin CATL (hiện đang xây dựng nhà máy 5,1 tỷ USD).

Singapore dù không phải quốc gia có nền công nghiệp ô tô phát triển nhưng Hyundai cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện có quy mô nhỏ tại quốc đảo này. Công suất dự kiến của nhà máy vào khoảng 30.000 chiếc mỗi năm vào năm 2025.

Hầu hết các nhà sản xuất trong ngành đang chọn đầu tư vào Thái Lan. Theo thống kê, từ 2018- 2019, Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) đã phê duyệt  26 đơn đăng ký với tổng trị giá 2,6 tỷ USD. Các dự án đầu tư của BMW,  Mercedes-Benz và 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản là Toyota , Honda và Nissan. Cuối năm ngoái, BOI cũng đã chấp thuận một số dự án đầu tư bổ sung của Mitsubishi và SAIC.

Việt Nam đang ở đâu?

{keywords}
Việt Nam đang vươn lên trong cuộc đua xe điện ở ĐNA.

Theo đánh giá, Việt Nam đang vượt dẫn trước trong kế hoạch phát triển xe điện. Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu đề án của Thái Lan về mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện tại khu vực ASEAN. Điều này cho thấy mong muốn Việt Nam sẽ phát triển ngành sản xuất xe điện trong tương lai gần.

Đầu năm 2021, VinFast đã công bố 3 mẫu SUV điện thông minh trải ở 3 phân khúc cỡ vừa, cỡ trung, cỡ lớn dự kiến được sản xuất và giao đến tay khách hàng ngay trong năm nay hoặc đầu năm sau tại Việt Nam và cả các thị trường lớn như Mỹ, Canada, châu Âu.

Chưa có hạ tầng cho phát triển xe ô tô điện được xem là trở ngại lớn nhất ở Việt Nam. Hệ thống trạm sạc, đổi pin không phát triển thì xe điện sẽ khó phát triển. Đây là vấn đề mà cả cơ quan quản lý và các hãng xe phải giải quyết.

Các địa phương, nhất là các thành phố lớn bắt đầu có các chính sách khuyến khích xây dựng hệ thống hạ tầng. Ngày 14/1/2021, Đà Nẵng đã chính thức phê duyệt đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố. Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 150 trạm sạc cấp 1,2 và 15 trạm sạc cấp 3. Đến 2030 xây dựng 250 trạm sạc cấp 1,2 và 50 trạm sạc cấp 3.

Đà Nẵng cũng khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện; triển khai các chương trình đào tạo, giới thiệu về xe điện, trạm sạc, công nghệ sạc cho xe điện… Thành phố này đồng thời cũng thu hút đầu tư của các tập đoàn mạnh về lĩnh vực xe điện và đã triển khai thành công mạng lưới trạm sạc từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Dự kiến trong năm 2021, VinFast sẽ triển khai trên toàn quốc hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện tại các bãi đỗ xe tại các địa điểm như chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, trường đại học/cao đẳng….

Dẫu vậy, rào cản của xe điện sẽ không chỉ có thiếu hụt hạ tầng. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy các chính sách khuyến khích của Chính phủ sẽ là đòn bẩy để phát triển xe điện. Chính sách này không chỉ là các ưu đãi đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xe điện mà còn cả chính sách khuyến khích người sử dụng chuyển dần sang loại xe này để tạo thị trường hấp dẫn hơn.

Phúc Vinh 

Thêm "đại gia" xe hơi chuyển hướng mạnh sang sản xuất xe điện

Thêm "đại gia" xe hơi chuyển hướng mạnh sang sản xuất xe điện

Ford sẽ chỉ bán xe điện ở châu Âu vào năm 2030. Nhà sản xuất ô tô này cho biết, họ sẽ chi 1 tỷ USD để chuyển đổi nhà máy ở Cologne (Đức) thành dây chuyền sản xuất xe điện.