- Theo dự kiến, 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ triển khai dịch vụ xe đạp công cộng để giảm ùn tắc. Đề án này được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 148 chỉ đạo các bộ, ngành và 5 thành phố trực thuộc trung ương triển khai thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng để giảm bớt áp lực giao thông, chống ùn tắc.
Vụ Vận tải (Bộ GTVT) là đơn vị chủ trì xây dựng đề án. Dự kiến từ đầu năm 2015, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ triển khai dịch vụ cung cấp xe đạp công cộng cho người dân và du khách.
Đề án này hiện đang được dư luận rất quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.
Giảm ô nhiễm nhưng không giảm ùn tắc
Với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... đề án triển khai dịch vụ xe đạp công cộng được nhiều người ủng hộ.
Trên diễn đàn công nghệ, bạn có nickname nguoihunghd cho rằng: "Phát triển xe đạp sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan thân thiện, người dân tăng cường sức khỏe. Mức giá cho thuê từ 4.000 - 5.000 đồng/giờ hoàn toàn có thể chấp nhận được".
Độc giả Nguyễn Hằng đánh giá, việc phát triển xe đạp công cộng sẽ góp phần làm tăng tính kết nối với các loại phương tiện công cộng khác như xe bus, xe điện ngầm...
"Ý tưởng này rất hay, khi đó người dân có thể đi xe điện ngầm, xe bus đến lõi trung tâm rồi thuê xe đạp từ 1-2km đến chỗ làm, học tập, không cần sử dụng phương tiện cá nhân nữa. Chỉ cần chất lượng xe tốt, phục vụ tốt thì người dân sẽ hào hứng tham gia", độc giả này nêu quan điểm.
Hiện xe đạp vẫn đi chung làn với các phương tiện khác, gây nguy cơ tai nạn cao |
Tuy nhiên nhiều người quan ngại, việc khuyến khích sử dụng xe đạp tại các thành phố lớn hiện nay sẽ không thể góp phần giảm ùn tắc, trái lại sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.
Cụ thể, diện tích chiếm dụng lòng đường của xe đạp tương đương xe máy, tốc độ chậm hơn nên mật độ phương tiện sẽ lớn hơn, nguy cơ ùn tắc càng cao.
Một độc giả đưa ra dẫn chứng, ở khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) trước đây công nhân đi xe đạp gây kẹt xe kinh khủng, tốc độ chậm làm cản đường xe máy chạy qua khu vực này, bây giờ khá hơn vì phần lớn công nhân đã có xe máy.
Tại Hà Nội, vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước cũng thường xuyên xảy ra tắc đường vì xe đạp, dù lúc đó dân số thành phố chỉ có hơn 2 triệu người.
Theo anh Khánh Duy, để đề án sử dụng xe đạp công cộng hiệu quả, cũng cần tính đến bài toán quản lý, sửa chữa sao cho phù hợp.
"Ở các nước phát triển, họ trang bị thẻ thông minh, sử dụng định vị GPS và các trạm quản lý xe đạp sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó ở ta, nhiều nơi còn không nhận gửi xe đạp, không có tiệm sửa xe đạp. Ý thức bảo quản của người dân lại chưa tốt, xe công cộng có thể bị đưa đi luộc đồ như thường".
Cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng
Gần 200 thành phố trên thế giới đã tập trung phát triển hệ thống xe đạp công cộng từ những năm 2005.
Tại những thành phố này, các trạm xe đạp đều được đặt tại các trạm xe bus, ga tàu điện ngầm để người dân dễ dàng tiếp cận. Xe đạp cũng có làn đường riêng để hoạt động.
Tại Việt Nam, tất cả những điều kiện này rất khó đáp ứng trong một sớm một chiều.
Một điểm xe đạp công cộng tại thành phố Paris (Pháp) |
Trên diễn đàn sinh viên, bạn Khánh Duy phân tích: "Việt Nam mới chỉ có phương tiện công cộng duy nhất là xe bus. Các bãi giữ xe máy, ô tô mới chỉ đáp ứng một lượng nhỏ nhu cầu, vậy khi phát triển thêm xe đạp sẽ phải tính thêm bài toán quy hoạch bến bãi. Đây là điều vô cùng khó, nhất là ở thành phố tấc đất tấc vàng như Hà Nội".
“Theo tôi, đề án này chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Cơ sở hạ tầng chưa có, tôi muốn đi xe đạp ở phố cổ chẳng hạn, cũng sẽ phải gửi ô tô, xe máy, vừa mất tiền gửi xe vừa mất tiền thuê xe đạp. Chưa kể những khu vực này, tìm được bãi gửi xe vô cùng khó khăn", chị Cẩm Vân nêu quan điểm trên diễn đàn dành cho cha mẹ.
Anh Nguyễn Thái chỉ ra thực tế nữa là đường sá trong lõi trung tâm ở các thành phố lớn tại Việt Nam phổ biến là đường nhỏ. Nếu muốn quy hoạch thêm làn xe đạp cần thời gian dài và vô cùng tốn kém.
Còn hiện tại, nếu để xe đạp đi lộn phần đường với xe máy và ô tô trên đường thì nguy cơ tai nạn sẽ rất cao.
"Khí hậu ở nước ta khá khắc nghiệt, mùa hè nóng gay gắt, mùa đông lạnh, mưa phùn. Với tình hình thời tiết này, e là người dân rất ngại đi xe đạp. Do đó đề án cần phải tính toán kỹ, tránh tình trạng triển khai, lắp đặt hàng trăm trạm xe đạp xong rồi đắp chiếu bỏ đó, rất lãng phí", anh Thái nói thêm.
Độc giả Phan Bình gợi ý: "Bộ GTVT và các thành phố cần khảo sát ý kiến, nhu cầu của người dân với loại phương tiện này. Cần làm chi tiết, từng bước, nên thí điểm ở khu vực nhỏ trước rồi đánh giá. Theo lộ trình, cũng cần ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với xe đạp công cộng, nghiên cứu quy trình quản lý tiện lợi cho người dân".
Chính phủ yêu cầu thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu UBND 5 thành phố lớn trực thuộc T.Ư phải chủ trì, phối hợp Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố; Báo cáo HĐND TP xem xét, thông qua để làm cơ sở thực hiện; Quy hoạch và xây dựng mạng lưới các cơ sở hậu cần phục vụ vận tải hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hàng hóa trong đô thị. Đặc biệt, 5 TP lớn cần xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm. |
M.Đức (tổng hợp)