Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Những thành tựu nói trên là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây cũng là kết tinh nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan đối ngoại và ngành ngoại giao.

Một quốc gia tạo dựng, định vị được thương hiệu được xem như sở hữu chìa khóa vàng để mở những cánh cửa cơ hội tiếp cận với xu hướng mới của thế giới, phát triển đất nước. Chính từ quan điểm này, VietNamNet đã triển khai loạt bài “Định vị Việt Nam trên trường quốc tế”.

 

Đầu tháng 12, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.

Liên minh châu Âu là một trong những đối tác mà Việt Nam có hợp tác chặt chẽ trong những lĩnh vực này. Bên lề Hội nghị Ngoại giao 32, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo có những chia sẻ với VietNamNet về sự hợp tác trong phát triển xanh, đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và EU.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhận định, trong quá trình phát triển ở bất cứ thời điểm nào đều có cơ hội và thách thức; phải nhận diện được cơ hội là gì, thách thức là gì; cơ hội nào chung và cơ hội nào riêng.

Về cơ hội chung, Đại sứ Thảo thông tin, EU là thị trường rất lớn với 150 triệu dân; GDP 16.000 tỷ USD, khối này có nhu cầu lớn về hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu, đây là những mặt hàng Việt Nam có tiềm năng. Thị trường EU mang tính ổn định, bền vững, kể cả khi có Covid-19 hay xung đột.

Các doanh nghiệp của EU có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có nguồn lực tài chính, kỹ năng quản trị, đi đầu trong phát triển xanh.

Còn cơ hội riêng cho Việt Nam, Đại sứ nhận định, Việt Nam là 1 trong 4 nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) có Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với EU. “EU đang có nhu cầu lớn về đa dạng hóa nguồn cung đặc biệt sau Covid-19 và xung đột Ukraine-Nga. Đây là cơ hội cho những nước như chúng ta”, Đại sứ khẳng định.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt 64 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 54 tỷ USD và thặng dư thương mại đạt 38 tỷ USD. Khối 27 thành viên là thị trường rất lớn, có tầm quan trọng để xuất khẩu và đem về giá trị thặng dư cao.

Một lợi thế khác, châu Âu là nơi có nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nhất, hoạt động sâu rộng. Và đặc biệt quan hệ giữa các nước thành viên EU và Việt Nam “rất tốt”.

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cũng chỉ rõ, "con đường này không chỉ trải hoa hồng", thị trường châu Âu tiêu chuẩn cao hơn, “khó tính”, không những thế còn đặt ra nhiều tiêu chuẩn mới. Ngoài ra, EU có nhiều quy định, hệ thống luật phức tạp.

Khó khăn khách quan về khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và châu Âu dẫn tới chi phí vận chuyển cao làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Đại sứ cũng nêu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng theo EU. Đó là lý do ta chỉ xuất được 1,7% trong số 3.000 tỷ euro hàng hóa họ nhập mỗi năm, nên dù có EVFTA nhưng chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt nắm bắt thị trường EU có phần hạn chế. “Chúng tôi cảm thấy có sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam tới thị trường châu Âu nhưng quyết tâm thì chưa cao”, Đại sứ bày tỏ quan điểm.

Từ đây, Đại sứ cho rằng, các mặt hàng của Việt Nam phải đảm bảo được chất lượng, nguồn cung ổn định thì mới tận dụng được lợi thế từ EVFTA nếu không sẽ rất lãng phí.

Theo Đại sứ Thảo, các nước trong khu vực đang “chật vật” đàm phán FTA với EU, trong khi Việt Nam có “con đường cao tốc đã rộng mở” với rất nhiều thuận lợi khi 90% kim ngạch xuất khẩu sang EU được miễn thuế. Đây là lợi thế cạnh tranh vượt trội, đặc biệt khi so với các nước xuất khẩu những mặt hàng giống Việt Nam trong khu vực.

Liên minh châu Âu luôn đi đầu trong tiêu chuẩn về phát triển xanh, phát triển bền vững và khối này mới ban hành những quy định về chống phát thải carbon qua biên giới, quy định về chống phá rừng, quy định về trách nhiệm giải trình…

Đại sứ cho biết, đây sẽ là những khó khăn rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam và sẽ làm giảm những lợi thế của EVFTA mang lại. Nhưng đây là những quy định EU áp dụng cho toàn thế giới, “khó người, khó ta chứ không chỉ khó riêng chúng ta”.

Phát triển xanh là xu thế của thế giới Việt Nam không thể đứng ngoài. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, nếu Việt Nam thích ứng từ đầu thì sẽ có “lợi ích kép” khi vừa có cả EVFTA và “đi trước” trong phát triển xanh, lợi thế sẽ tăng lên gấp bội. Còn nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn xanh thì sẽ bị tụt hậu, mất đi những lợi thế cạnh tranh mà EVFTA mang lại.

Khi EU ban hành những chính sách này, Chính phủ Việt Nam cũng xác định đây là xu thế và có những cam kết mạnh mẽ. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, Việt Nam có những trao đổi, đàm phán với EU nhằm hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam nói chung, cho doanh nghiệp nói riêng trong tiếp cận với các tiêu chuẩn mới.

Nhiệm vụ còn lại là sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp. Đại sứ bày tỏ tin tưởng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ, có sự chuẩn bị để khi những quy định mới của EU có hiệu lực năm 2025 và 2027, doanh nghiệp Việt sẽ từng bước tiếp cận, vượt các đối thủ cạnh tranh.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) ở Glasgow (Anh), Việt Nam có những cam kết về chuyển đổi năng lượng với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đại sứ chia sẻ, thế giới rất ngạc nhiên và ghi nhận, đánh giá cao một nước như Việt Nam tuy còn nhiều khó khăn nhưng có cam kết mạnh mẽ.

Ngay sau đó một năm, Việt Nam đã thành lập Ban Thư ký quốc gia, xây dựng một số chương trình đóng góp quốc gia tự nguyện. Tháng 12/2022, nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-EU, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Tuyên bố chính trị về việc thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đánh giá đây là bước đi mạnh mẽ tiếp theo của Việt Nam để thực hiện cam kết.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP-28 mới diễn ra cuối tháng 11 (Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.

Trong vòng một năm, Việt Nam đã xây dựng được kế hoạch, các đối tác, đặc biệt là EU hết sức ấn tượng, đánh giá cao bởi “Việt Nam không chỉ cam kết đã làm mà còn làm đúng hướng”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp trao đổi với Thủ tướng về vấn đề này.

Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Theo Đại sứ, đây là bước đi quan trọng vì phải có nguồn lực tài chính thì mới thực hiện được cam kết. Ông Nguyễn Văn Thảo hoàn toàn tin tưởng với quyết tâm và những chương trình hành động, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định, vai trò của đổi mới sáng tạo là một trong những chìa khóa của sự phát triển và Việt Nam có những lợi thế khá tốt.

“Chúng ta thường nói người Việt Nam cần cù, thông minh; học sinh Việt Nam đoạt giải cao hơn tại các cuộc thi quốc tế. Nhưng tôi nghĩ rằng đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì cần có một khuôn khổ pháp lý, chiến lược quốc gia về đổi mới sáng tạo”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

Thời gian qua, Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách về đổi mới sáng tạo như Chiến lược quốc gia về đổi mới sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia…Đây là những bước đi phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Điểm thứ hai, Việt Nam có quan hệ tốt với những đối tác hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo như Mỹ, châu Âu... Các đối tác này đã có những cam kết hợp tác với Việt Nam.

Điểm thứ ba là nguồn lực Việt kiều ở nước ngoài. Ở châu Âu có mạng lưới các tri thức đổi mới sáng tạo là những Việt kiều, ông Nguyễn Văn Thảo cho rằng phải kết nối những mạng lưới này để phát huy hiệu quả, đóng góp cho quá trình phát triển, đổi mới sáng tạo.

Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) được ký từ năm 2019 và hiện nay đang chờ các nước thành viên phê duyệt. Đại sứ nhận định, IPA không phải là “chiếc đũa thần” để tạo ra một dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ châu Âu nói riêng và từ thế giới nói chung vào Việt Nam.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, quan trọng nhất là Việt Nam phải tạo được môi trường môi trường ổn định cho các nhà đầu tư. Bởi các nhà đầu tư quan tâm đến hai vấn đề quan trọng, đó là tính sinh lời và tính an toàn. Nếu đáp ứng được cả hai yêu cầu thì dòng đầu tư sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.

Ngoài ra còn tính thời điểm, Đại sứ phân tích toàn cầu hóa hiện nay có sự phân mảng thay vì toàn cầu hóa toàn cầu thì có toàn cầu hóa theo khu vực, theo chuỗi cung ngành hàng và theo những đối tác có cùng chí hướng. Đại sứ cho biết đây chính là cơ hội cho Việt Nam, EU nhìn nhận Việt Nam là một đối tác tiềm năng.

Nếu đón được làn sóng đầu tư này, Việt Nam sẽ thu hút được lượng đầu tư từ nước ngoài nói chung và thu hút về đổi mới sáng tạo nói riêng. “Vì vậy, yêu cầu đặt ra là chúng ra phải có môi trường đầu tư tốt, có những hành động quyết liệt để quảng bá, thu hút nhà đầu tư thì mới đạt được kết quả”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định.

>> Kỳ tới: Đồng bằng sông Cửu Long – mối lương duyên của Việt Nam và Hà Lan