Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê-Kông, là một trong những đồng bằng trù phú, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.
An Giang phấn đấu vào nhóm dẫn đầu về kinh tế vùng ĐBSCL. |
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Nhận thức rõ các bất cập, hạn chế và thách thức nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra nhiệm vụ cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch có liên quan; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.
Nghị quyết số 5/NQ-HĐĐPVĐBSCL về Quy hoạch vùng và khoản vay hỗ trợ vùng ĐBSCL
Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa ra Nghị quyết số 5/NQ-HĐĐPVĐBSCL về Quy hoạch vùng và khoản vay hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết thống nhất quan điểm, mục tiêu phát triển và phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc sớm phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu cấp thiết hiện nay để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Đến năm 2030, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế biển, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân địa phương gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, vùng, liên tỉnh bao gồm giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, trung tâm đầu mối về nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, y tế, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về khoản vay hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết nêu rõ việc tiếp nhận khoản vay, tiêu chí lựa chọn và danh mục dự án đầu tư, cơ chế tài chính của các dự án và các nội dung có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hồng Phúc