Sáng 19/5, HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm thông qua một số tờ trình phát triển kinh tế và làm công tác nhân sự.
Phát triển thành phố theo 5 khu vực đô thị
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đã báo cáo trình HĐND TP “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060”.
Theo định hướng quy hoạch đến năm 2025, diện tích đất xây dựng dự báo tăng khoảng 46.500 ha, nhưng thực tế, giai đoạn 2007-2019 (12 năm), diện tích đất xây dựng chỉ tăng khoảng 13.900 ha - chiếm khoảng 30% tổng quy mô diện tích dự kiến tăng thêm trong cả giai đoạn 2007-2025 (18 năm).
“Như vậy, trong khi dân số thành phố đã tăng đúng như dự báo, thì diện tích đất xây dựng đô thị được sử dụng ít hơn dự kiến. Điều này cho thấy thành phố đang trong quá trình đô thị hóa hiệu quả hơn, khai thác tốt hơn, tiết kiệm quỹ đất xây dựng đô thị.
Theo UBND TP, với tầm nhìn là hạt nhân của Vùng TPHCM và Vùng Đông Nam Bộ cùng các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế toàn cầu, có thích ứng và biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu mới, định hướng phát triển đô thị thành phố dự kiến hình thành và phát triển các phân vùng như sau:
Đối với Vùng đô thị trung tâm: ranh giới phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía đông là sông Sài Gòn. Vùng trung tâm bao gồm các Quận: 1, 3,4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, quận Bình Tân, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 17.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 4,5 triệu người.
Vùng đô thị phía Đông: đã thành lập thành phổ Thủ Đức, tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,1 triệu người.
Vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc: ranh giới phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2. Bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,4 triệu người.
Vùng đô thị phía Tây: ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía Nam giáp rạch tỉnh Long An; phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông cần Giuộc; phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An. Bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích khoảng 23.300 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 840.000 người.
Vùng đô thị phía Nam: ranh giới phía Bắc giáp kênh Đôi kênh Tẻ, ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc. Bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,2 triệu người.
Theo UBND TP, với chiến lược phân vùng như trên, kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt với các phạm vi và nguyên tắc.
3 vùng chống ngập
Về Chiến lược và giải pháp chống ngập, thành phố được phân chia thành ba vùng chống ngập. Trong đó Vùng 2 là thành phố Thủ Đức, Vùng 3 là huyện cần Giờ và Vùng 1 là toàn bộ phần còn lại của Thành phố
Cụ thể, với vùng 1 và 2 chia thành ba lớp.
Thứ nhất, lớp bảo vệ bao gồm hạ tầng chính là hệ thống đê ngăn triều và lũ từ Bến Súc dọc theo sông Sài Gòn cho đến Đức Hòa và hệ thống 12 cống ngăn triều lớn theo quy hoạch. Trong đó, cần ưu tiên hoàn thiện đường bờ bao ngăn triều vàm cống ngăn triều cho vùng.
Thứ hai, là lớp thích ứng, bao gồm hệ thống vùng trữ ngập phân bố toàn vùng. Quy mô khu vực trữ ngập có diện tích khoảng 17% tổng diện tích vùng theo quyết định phê duyệt của quy hoạch. Trong đó, hệ thống kênh rạch tự nhiên tận dụng trữ ngập chiếm khoảng 4%; diện tích hồ điều tiết quy hoạch mới chiếm khoảng 3%; vùng trữ ngập phân bổ trong đất cây xanh công viên và đô thị thích ứng chiếm 10%.
Cuối cùng là lớp giảm thiểu thiệt hại, bao gồm hệ thống đường bộ và đường thủy có khả năng tiếp cận nhanh vùng sự cố và hệ thống cảnh báo ngập thời gian thực.
Vùng 3 sẽ là các khu vực phát triển tại Cần Giờ, được khuyến khích ứng dụng giải pháp thích ứng có khả năng sống chung với ngập do triều.
Về Định hướng quy hoạch không gian ngầm cũng được định hướng phân vùng theo 3 khu vực bao gồm:
Khu vực khuyến khích xây dựng không gian ngầm: được xác định chủ yếu trong phân vùng đô thị trung tâm (bên trong Vành đai 2), là khu vực tập trung đông dân cư mật độ cao và không còn nhiều quỹ đất để phát triển. Đây cũng là khu vực tập trung của mạng lưới đường sắt đô thị và nhà ga ngầm.
Các khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) tại nhà ga trung tâm hoặc trung chuyển và các trung tâm đô thị của thành phố cũng cần được khuyến khích phát triển không gian ngầm để gia tăng mật độ và khai thác tối ưu giá trị đất đai.
Khu vực xây dựng không gian ngầm có kiểm soát: bao gồm các khu vực quân sự, các khu vực tự nhiên sinh thái và các khu vực di tích, tôn giáo, văn hóa lịch sử của thành phố.
Khu vực hạn chế phát triển không gian ngầm: tại các khu vực gần biển do chi phí xây dựng và bảo dưỡng gia tăng bởi nước nhiễm mặn, và tại các hành lang thoát nước, khu vực hồ điều tiết nước mưa.
Chức năng sử dụng không gian ngầm được phân chia theo 03 tầng tương ứng với chiều sâu sử dụng là tầng nông, tầng sâu, tầng rất sâu. Trong đó, tầng nông sử dụng cho các chức năng giao thông tĩnh, đường đi bộ, ga công cộng tích hợp khu thương mại, nút giao khác mức, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Tầng sâu: sử dụng cho các chức năng hệ thống tuynel hạ tầng kỹ thuật tập trung, hệ thống giao thông công cộng ngầm, hệ thống đường giao thông ngầm.
Tầng rất sâu: sử dụng cho các chức năng hệ thống kỹ thuật liên vùng như đường điện cao thế, hệ thống thoát nước dưới sâu.