Hướng Hóa có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số toàn huyện, sinh sống ở 21 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn.

Xác định phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giữ vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân hội nhập và phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, huyện Hướng Hóa triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021 - 2025 gắn với các đề án, nghị quyết, kết luận, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2021 - 2025, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hạ tầng thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện được đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó đầu tư từ tư nhân đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ, cơ sở lưu trú, ăn uống, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

capture.jpg
Tạo điều kiện cho cư dân biên giới trao đổi, mua bán hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới. 

Toàn huyện Hướng Hóa có 6 chợ, 1 trung tâm thương mại, trong đó có chợ Hướng Phùng là chợ dân sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được bố trí tại khu vực trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trao đổi, mua bán hàng hóa.

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại - dịch vụ đạt 8.597 tỷ đồng; tăng 27,56% so với năm 2021. Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu của nhân dân.

Cùng với phát triển thương mại trong nước, hoạt động thương mại biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những động lực quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hướng Hóa. Vì vậy, huyện đã tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực với các đối tác trong khu vực và trên thế giới; chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tạo điều kiện cho cư dân biên giới trao đổi, mua bán hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới. Hoạt động mua bán, trao đổi thương mại biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện chủ yếu thông qua trao đổi, mua bán trực tiếp qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và các chợ biên giới với quy mô nhỏ, đơn giản. Các mặt hàng nông sản mua bán, trao đổi hai bên biên giới chủ yếu gồm: chuối, bời lời, cao su, trâu, bò, sắn, thịt lợn, mặt hàng thủy sản, rau củ quả các loại.

Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân và thương nhân biên giới có chiều hướng phát triển. Trong năm 2022, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa tăng mạnh. Tổng kim ngạch hai chiều qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt 516,4 triệu USD; trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 106 triệu USD; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 410 triệu USD.

Để thúc đẩy phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt tăng trưởng trên 9%/năm. Phát triển các hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, lợi thế của huyện đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài huyện, tỉnh và hướng đến xuất khẩu.

Khuyến khích phát triển thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại, tăng trưởng trung bình 8 - 10%/năm. Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn. Đến năm 2030, trên 90% cán bộ quản lý thương mại được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

UBND huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị theo hướng hiện đại tại các xã, thị trấn, khu vực đông dân cư, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thương mại biên giới, tận dụng lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây và phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV