Hiện nay, thẻ tín dụng quốc tế được phát hành với số lượng lớn trên thị trường Việt Nam và vẫn được coi là sản phẩm thanh toán dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập cao. Nguyên nhân là không phải ai cũng có đủ điều kiện để phát hành và sở hữu dòng sản phẩm thanh toán này. Bên cạnh đó, ở khía cạnh đơn vị phát hành, biểu phí của các tổ chức thẻ quốc tế lâu nay vẫn được đánh giá ở mức cao, nên không tạo động lực cho các ngân hàng mở rộng những điểm chấp nhận thanh toán.
Một trong số giải pháp hỗ trợ tài chính tiêu dùng, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam là sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với lệ phí trao đổi ngân hàng phù hợp, cân bằng lợi ích của các ngân hàng phát hành cũng như khách hàng. Đây còn là giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen. Tuy nhiên, thực tế kết quả triển khai kể từ khi thẻ tín dụng ra mắt vào đầu năm 2021 đến nay chưa thực sự cao, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng của dòng sản phẩm này.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code, thẻ chip, tăng cường chuẩn hóa tính liên thông trong ngành ngân hàng, giữa ngành ngân hàng với các lĩnh vực khác…
Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, những chính sách, quy định kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, hoạt động hằng ngày của người dân, doanh nghiệp, từ đó, đem lại một số kết quả tích cực.
Cụ thể, đến cuối năm 2022, hơn 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so cùng kỳ năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng. Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3.2021. Tính đến tháng 6 năm 2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.
“Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, cung cấp các sản phẩm thanh toán đa dạng, hiện đại, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện, ngăn ngừa tín dụng đen”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.