Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Theo tin từ Cổng thông tin Bộ Tài chính, tại buổi họp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Mục tiêu của kế hoạch hành động là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới tài chính số.
Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ,toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; Thiết lập cơ chế đảm bảo thực thi.
Cũng tại đây, các chuyên gia đã có những chia sẻ về các định hướng triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử như về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; về định danh và xác thực điện tử, bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, ông Nguyễn Thế Trung đã đưa ra một số lưu ý về định danh xác thực số - danh tính số đối với ngành Tài chính, như định danh số là một tài sản giá trị và là trụ cột của kinh tế số.
Theo kinh nghiệm các nước thì Bộ Tài chính luôn là nhà cung cấp danh tính số đáng tin cậy nhất thông qua hệ thống thuế. Việc triển khai danh tính số sẽ đảm bảo sự chính xác của các giao dịch, việc liên kết dữ liệu theo danh tính để quản trị nền tài chính vững mạnh hơn. Vì vậy, Bộ Tài chính cần xác định việc xây dựng và quản lý danh tính số là một công việc quan trọng hàng đầu và cần nhanh chóng triển khai theo mô thức: triển khai trong nội bộ ngành, đẩy mạnh trụ cột danh tính số trong công tác thuế hướng tới mở rộng tích hợp chia sẻ theo hướng của nghị định đề ra.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc đưa ra các quy chế trong nội bộ để việc chia sẻ dữ liệu và sớm hình thành nền tảng chia sẻ dữ liệu và các cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính, dịch chuyển lên điện toán đám mây, cũng như đánh giá chuẩn bị kế hoạch về dữ liệu mở.