Đừng bám công cụ cũ kỹ
Cuối tháng 3.2021, VinFast đã mở bán và nhận đặt cọc mua xe ôtô điện VF e34 với mức phí đặt cọc chỉ 10 triệu đồng/xe. Gần 4.000 đơn đặt hàng thành công trong ngày đầu mở bán cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng với loại xe thân thiện với môi trường. Còn theo số liệu mới nhất, tính đến này 17.7 đã có hơn 25.000 đơn đặt cọc VF e34 chỉ sau 3 tháng mở bán.
Đó không chỉ là tín hiệu đáng mừng đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô điện "Made in Việt Nam", mà còn là niềm vui của ngành công nghiệp ôtô điện ở Việt Nam.
Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay hầu như chưa có chính sách cụ thể nào về việc khuyến khích phát triển xe điện. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng dầu thông thường.
Trong khi đó, nhìn sang các nước Đông Nam Á, có thể thấy Thái Lan và Indonesia đang “ôm mộng” trở thành công xưởng xe điện của ASEAN với hàng loạt những chính sách ưu đãi.
Ở Thái Lan, từ năm 2016, Chính phủ nước này đã đưa ra lộ trình chung để phát triển xe điện và phê duyệt kế hoạch ưu đãi thuế đối với sản xuất xe điện. Đến năm 2036, Thái Lan đặt mục tiêu tăng số lượng ôtô điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc hoạt động trên cả nước.
Chính phủ Thái Lan cũng công bố thay đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích phát triển xe điện. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phát triển xe điện hiện là 2%, giảm xuống từ 10% trước đây.
Còn ở Indonesia, tháng 8.2019, tổng thống nước này đã ban hành Sắc lệnh số 55 về chương trình tăng tốc phát triển xe điện cho giao thông đường bộ với ưu đãi đặc biệt cho xe điện nội địa hóa.
Chính phủ Indonesia bắt buộc thực hiện dần yêu cầu về hàm lượng nội địa cho ngành xe điện. Cụ thể, giai đoạn 2022 đến 2023, tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu hơn 40%, giai đoạn 2024 đến 2029 tối thiểu 60%, sau năm 2030, tối thiểu 80%.
Một dòng sản phẩm ôtô điện của VinFast. Ảnh: VinFast |
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, được khuyến khích tại nhiều quốc gia. Do đó, Việt Nam cần sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất ôtô điện.
"Trên góc độ về phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cần phải chủ động đưa ra và ủng hộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Đồng thời, phải phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành sản xuất ôtô tại Việt Nam - đó là mong muốn từ lâu của các doanh nghiệp", bà Lan nói.
Theo bà Lan, việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ôtô điện là chiến lược quan trọng, để phát triển các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam, không phụ thuộc quá nhiều từ nhập khẩu bên ngoài.
"Bộ Công Thương là đơn vị thiết kế chiến lược công nghiệp hoá; Chiến lược phát triển ngành ôtô cũng do Bộ Công Thương chủ trì, cho nên Bộ Công Thương buộc phải theo kịp doanh nghiệp trong xu hướng phát triển mới như lĩnh vực xe điện.
Thậm chí, Cục Công nghiệp còn phải đề xuất những xu thế cao hơn so với chiến lược đã đề ra, chứ không phải lúc nào cũng bám theo một số công cụ cũ kỹ" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Doanh nghiệp dư sức làm, bộ ngành không theo kịp
Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, đơn vị vừa cho ra mắt sản phẩm xe máy điện - cho hay, tập đoàn đang ấp ủ phát triển một sản phẩm xe điện. Sản phẩm này sẽ không đắt như ô tô điện để mọi người có thể tiếp cận được. Nhưng hiện giờ vẫn chờ chính sách từ các bộ ngành.
"Cá nhân tôi thấy rằng, hầu như chúng ta chưa có chính sách gì cả về xe điện. Hiện xe điện vẫn đánh đồng với xe xăng, vẫn đánh đồng giữa một loại xe bảo vệ môi trường với một loại xe gây ô nhiễm môi trường" - ông Tân nói.
Theo ông Tân, việc hỗ trợ về phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện là việc tối thiểu phải quan tâm ngay, làm đầu tiên.
Trong khi Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi gì, thì các quốc gia khác, họ có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đến cả 3 khu vực: Nhà sản xuất; áp dụng chính sách đầu tư công phục vụ phát triển xe điện, xây dựng hạ tầng, trạm sạc và hỗ trợ khách hàng, người tiêu dùng.
Chuyên gia về công nghiệp ô tô Trương Đăng Tân cho hay, cái khó nhất của ngành sản xuất ôtô điện trong nước hiện nay là một chính sách hỗ trợ phù hợp, chứ không phải công nghệ. Đưa ra chiến lược phát triển ôtô điện, nhưng lại không có chính sách ưu đãi, khác nào "đánh trống bỏ dùi".
"Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, không phải chúng ta không làm được. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong chính sách" - ông Tân nói.
Theo Lao động
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Điều gì có thể khiến người tiêu dùng chọn xe điện thay vì xe chạy xăng?
Có vẻ như CEO của GM đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này.