Kiên Giang là một trong 4 tỉnh/thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn ưu tiên thực hiện Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, là một lợi thế để tỉnh thực hiện cơ cấu nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng lợi thế.

Đến nay tỉnh hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng nông thôn mới, với nhiều khởi sắc. Kết quả đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 110/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Một trong những dấu ẩn nổi bật trong hành trình xây dựng nông thôn mới của Kiên Giang là việc thực hiện cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng lợi thế từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn.

W-minhhoa.png
Một trong những sản phẩm thế mạnh của Kiên Giang

Qua đó, gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm nay, Kiên Giang thành lập mới 10 hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; duy trì, nâng cao, phát triển 396 hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả. Tỉnh hỗ trợ nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc nông sản cho hợp tác xã; sản xuất theo quy trình và giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; xúc tiến thương mại, làm trung gian, cầu nối giới thiệu doanh nghiệp với hợp tác xã hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kiên Giang hiện có 453 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 87,45% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh; trong đó, có 365 hợp tác xã trồng trọt và 88 hợp tác xã thủy sản; tổng vốn điều lệ hơn 254 tỷ đồng đồng, diện tích canh tác khoảng 64.200ha canh tác, với trên 33.000 thành viên, tạo việc làm cho hơn 3.400 lao động theo thời vụ.

Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đã giải quyết tốt các quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, quản lý nguồn lợi thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; giúp thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm lượng giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, làm tăng năng suất và thực hiện tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như bơm tát, làm đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho thành viên từ 900.000 đồng đến 2,2 triệu đồng/ha/vụ; giúp thành viên tiết kiệm được thời gian để tự tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 25 phương án sản xuất kinh doanh và các văn bản liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt nhiều kết quả tích cực đã dần nâng lên cả về trình độ và năng lực quản trị cho cán bộ hợp tác xã đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.