Thứ nhất, cần hiểu đúng NNL chất lượng cao để có chính sách tập trung phát triển. Quan niệm về “NNL chất lượng cao” cũng có nơi, có lúc còn bị hiểu sai lệch, đồng nhất với bằng cấp, trình độ. NNL chất lượng cao là để chỉ các đối tượng lao động làm thông thạo bất kỳ một nghề nào đó, việc thành thạo đó khiến họ trở thành một lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề của mình. Là NNL đào tạo chuyên sâu để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng đào tạo và tay nghề của thị trường lao động hiện nay.
Để phát huy vai trò của NNL cao, Nhà nước cần tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương và cả nước; bảo đảm cân đối cung – cầu nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội trong phạm vi cả nước và từng ngành, từng cấp. Đây là giải pháp giúp chúng ta xác định được số lượng, chất lượng và cơ cấu NNL.
Ảnh minh họa Kiên Trung |
Thứ hai, xây dựng chiến lược, quy hoạch cụ thể theo ngành nghề then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung vào một số mũi nhọn, như: kinh tế tri thức, kinh tế số, phân tích dữ liệu, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thương mại điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị phát triển xã hội…
Thứ ba, đổi mới chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo, đồng thời tăng quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Giao cho một số cơ quan nhà nước cùng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhanh chóng xây dựng các cơ sở đánh giá và kiểm định chất lượng lao động qua đào tạo, cấp giấy phép hành nghề. Đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng cần được kiểm định chất lượng đầu vào để bảo đảm chất lượng cần có của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm chất lượng trong cơ quan nhà nước, tránh việc tuyển dụng dựa vào mối quen thân, nể nang…
Thứ tư, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi tuyển và đãi ngộ. Làm tốt công tác này sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, bền vững về mặt số lượng và chất lượng cũng như sự phân bổ hợp lý NNL. Để thu hút, trọng dụng nhân tài và NNL chất lượng cao, việc đãi ngộ là một nội dung cần được chú trọng bởi việc sắp xếp cán bộ đúng chuyên môn, phát huy được khả năng, có chế độ lương, thưởng thỏa đáng sẽ giúp họ có thể yên tâm, có điều kiện toàn tâm, toàn ý cho công việc.
Bởi, theo Nghị quyết Đại hội XIII, điểm mấu chốt trong giai đoạn phát triển mới hiện nay là là ưu tiên phát triển NNL cho công tác lãnh đạo, quản lý. Với sự phát triển của đất nước, chất lượng đội ngũ lãnh đạo quản lý luôn là vấn đề quyết định. Giai đoạn nào cũng cần những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực phẩm chất, có năng lực quản trị tốt nhằm góp phần đưa đất nước phát triển. Có lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, phong trào sẽ đi lên và ngược lại. Tuy nhiên, cần phải xác định được tiêu chuẩn cho từng nhóm vị trí việc làm và khung năng lực cụ thể cho mỗi vị trí việc làm đó để từ đó dễ dàng lựa chọn người lãnh đạo, quản lý.
Việc phát triển NNL, nhất là NNL lãnh đạo quản lý thì cần phải đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao chất lượng chứ không phải yêu cầu về chứng chỉ như hiện nay. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nên tổ chức trong khoảng thời gian ngắn nhưng cần được cập nhật thường xuyên hằng năm.
Thứ năm, thực hiện đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Để phát triển nhanh phải phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại.
Đồng thời, phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.
Với những đột phá được xác định trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định một lần nữa sự ưu tiên phát triển NNL của Đảng ta. Do đó, việc nghiên cứu đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là việc cần thiết để các cấp, các ngành triển khai vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách về phát triển NNL chất lượng cao ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Trần Thường(lược trích)