Không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia đang phát triển có mong muốn xây dựng một ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ mạnh cũng đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng”nguồn nhân lực. Bên cạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng rất cần có sự năng động để vượt qua cuộc khủng hoảng này...

Nhìn từ Bangladesh

Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Thông tin Bangladesh – một quốc gia vùng Nam Á, các công ty phần mềm và các công ty cung cấp dịch vụ CNTT-TT nước này, có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 50% - 100% trong những năm qua, giờ đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay bị kìm hãm.

Theo các chuyên gia CNTT Bangladesh, hiện gần 400 công ty phần mềm của quốc gia này cần khoảng 3.000 chuyên gia CNTT-TT mỗi năm. Trong khi đó, năng lực đào tạo của các học viện giáo dục nơi đây chỉ đáp ứng được khoảng một nửa, tức là hơn 1.500 chuyên gia, mỗi năm.

Cũng theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Thông tin Bangladesh, cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp phần mềm cũng làm nảy sinh những khó khăn cho một số lĩnh vực khác như viễn thông, ngân hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi ở những lĩnh vực này hiện cũng rất cần những chuyên gia được trang bị những kiến thức phần mềm.

Số liệu từ Cục Xúc tiến Xuất khẩu (Bangladesh) cho hay doanh thu xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ nước này trong năm tài chính 2005-2006 đạt khoảng 23,82 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng tới 147% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần mềm và dịch vụ xử lý dữ liệu chiếm những tỷ trọng doanh thu lớn.

Các chuyên gia CNTT Bangladesh nhận định, ngành công nghiệp phần mềm nước này có thể đạt tốc độ tăng trưởng 200-300%/năm nếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ theo nhu cầu.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp CNTT Bangladesh, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Bangladesh cũng còn rất nhiều bất cập và chưa thể nói là đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ.

Tiến độ chậm

Theo số liệu từ Hội Tin học TP. HCM (HCA), hiện nay, số lượng các trường đại học tại Việt Nam có đào tạo hệ cử nhân/kỹ sư CNTT đã lên đến con số 80 với trên 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh cử nhân/kỹ sư CNTT hàng năm. Nếu tính cả chỉ tiêu cao đẳng thì con số này hiện lên đến hơn 20.000 mỗi năm.

Với hệ đào tạo cao đẳng, số lượng các cơ sở đào tạo cũng là rất lớn, không chỉ vì số trường cao đẳng cộng đồng và cao đẳng tư thục tăng nhanh trong năm vừa qua, mà còn bởi hầu hết các trường đại học đều có chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng CNTT. “Tuy nhiên, một trong các bất cập hiện nay là nội dung và chất lượng đào tạo cao đẳng CNTT còn nhiều vấn đề, trong đó là sự không rõ ràng giữa 2 loại bằng cao đẳng: cao đẳng nghề và cao đẳng “không theo hệ nghề” theo Luật Giáo dục mới, cùng với vị trí của văn bằng này trong hệ thống giáo dục - khi trên thế giới không có nước nào dạy cao đẳng CNTT như ở Việt Nam”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HCA nhận xét.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, bên cạnh việc Bộ BCVT đứng ra đảm nhận xây dựng Quy hoạch chung phát triển nguồn nhân lực CNTT, một số bất cập về phát triển nguồn nhân lực CNTT cũng đang dần được các cơ quan chức năng tháo gỡ, như việc tập trung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT vào một đầu mối; khuyến khích dạy CNTT trong các trường đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh; bổ sung văn bằng cao đẳng nghề trong Luật Giáo dục 2005, và nhất là chủ trương xem giáo dục - đào tạo như một ngành dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hoá, tư thục hoá các trường dân lập... Song nhiều chuyên gia nhận xét, những chuyển biến trên diễn ra với tiến độ chậm, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế, và khoảng cách giữa nhu cầu nhân lực và khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo vẫn đang và sẽ bức thiết.   

Câu chuyện của PSV

Không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cũng rất tích cực chuẩn bị xây dựng cho mình đội ngũ nhân lực gia công phần mềm để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian sắp tới, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư phát triển phần mềm. Công ty PSV là một ví dụ điển hình.

Giữa tháng 10/2006, PSV đã tổ chức chương trình tuyển dụng và đào tạo “Kỹ Sư Phát Triển Phần Mềm” đầu tiên tại trung tâm đào tạo của công ty này, đặt tại TP. HCM. Những sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT quan tâm đến vị trí kỹ sư phát triển phần mềm, sau khi đăng ký và vượt qua vòng sơ tuyển, sẽ được PSV đào tạo miễn phí trong thời gian khoảng 10 tuần. Chương trình đào tạo gồm phần lý thuyết và thực hành, các kiến thức cơ sở về lập trình như kỹ thuật lập trình, các ngôn ngữ lập trình và những công nghệ tiên tiến như J2EE, .NET... Theo ông Lâm Tuấn Khanh, Giám đốc dự án của PSV, mục đích của khóa đào tạo này nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho các ứng viên để họ có thể đảm nhiệm được vai trò của một kỹ sư phát triển phần mềm tại PSV. Bên cạnh đó, các ứng viên cũng được tham gia các dự án của PSV trong quá trình đào tạo. Nếu ứng viên vượt qua kỳ kiểm tra cuối khoá và thể hiện tốt năng lực làm việc trong suốt quá trình học tập và thực tập, họ sẽ được công ty PSV chính thức tuyển dụng vào vị trí kỹ sư phát triển phần mềm.

Cũng theo ông Khanh, PSV sẽ tiếp tục triển khai chương trình tuyển dụng và đào tạo nhằm vào các ứng viên là các tân sinh viên của khoa CNTT hoặc các kỹ sư lập trình đã có kinh nghiệm làm việc nhưng vẫn có nguyện vọng tham gia chương trình đào tạo để trau dồi thêm chuyên môn, đồng thời sẽ mở rộng cho các vị trí khác như kỹ sư phân tích hệ thống, quản trị dự án …

       Bích Văn