Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Thưa quý vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí!
 
Hôm nay, Tôi rất vui mừng cùng với đoàn công tác của Trung ương tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, tổ chức nhằm phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 39-NQ/TW đến các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương, các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đặc biệt là Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết quan trọng này.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và với tình cảm cá nhân, Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và gửi tới tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị trực tiếp ở Hội trường trung tâm tỉnh và tại các điểm cầu trực tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An những lời chúc tốt đẹp nhất. 
Thưa các đồng chí!

Bà Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức TW tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 ở Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Nghệ An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và cả nước; nơi được coi là “vùng đất địa linh, nhân kiệt” với diện tích tự nhiên hơn 16.486 km2, lớn nhất cả nước, dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước, bờ biển dài 82 km, đường biên giớidài 468,281 km; là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối quốc tế và nhiều tài nguyên văn hóa và du lịch, quê hương của dân ca Ví, Giặm; là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và tinh thần hiếu học, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối. Đây là quê hương của phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh với truyền thống kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn. Người dân Nghệ An kết tinh nhiều đức tính quý báu được rèn luyện qua nhiều giai đoạn lịch sử như chịu thương, chịu khó, hiếu học, tự lực, tự cường, luôn coi trọng tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó. Những đức tính quý báu đó được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

Xác định rõ vị trí, vai trò, tiềm năng và lợi thế của tỉnh Nghệ An, từ năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 20-KL/TW, trong đó đề ra một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2005 và 2010. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 20-KL/TW, năm 2013 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. 

Trước bối cảnh tình hình mới và nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo, giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Tỉnh ủy Nghệ An thực hiện Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Sau khi nghe Báo cáo tổng kết, Bộ Chính trị đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 26-NQ/TW: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Điều này khẳng định quan điểm xuyên suốt và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An.

Thưa các đồng chí!

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được gửi tới các đồng chí; nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu. Các đồng chí cũng đã được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết; đại diện Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội trình bày dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trình bày dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An; các ý kiến phát biểu của đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, UBMTTQ tỉnh Nghệ An và Thành uỷ Vinh. Các bài phát biểu đều rất có trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc và phong phú, giúp hiểu rõ hơn về Nghị quyết và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công Nghị quyết. 

Để góp phần giúp các đồng chí hiểu sâu hơn nội dung của Nghị quyết, Tôi xin nhấn mạnh, khái quát, làm rõ thêm một số vấn đề, tập trung vào 3 nội dung lớn: (1) Ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển tỉnh Nghệ An; (2) Những giải pháp quan trọng theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW cần nhấn mạnh và làm rõ thêm; (3) Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển tỉnh Nghệ An

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển đã được nhận diện và khơi thông; tiềm năng, lợi thế từng bước được phát huy. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách; đặc biệt là mục tiêu cốt lõi “trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp vào năm 2020” vẫn chưa trở thành hiện thực. Bối cảnh, tình hình mới, cả trong nước và quốc tế, đang có những tác động nhiều mặt đến tỉnh Nghệ An với những thuận lợi và thách thức đan xen. Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa rất quan trọng. 

Một là, Nghị quyết số 39-NQ/TW được ban hành thể hiện sự quan tâm đặc biệt, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta nhằm phát triển tỉnh Nghệ An “xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; là sự tiếp tục hiện thực hóa lời căn dặn của Bác đối với quê hương trong bối cảnh mới.

Hai là, Nghị quyết đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An đối với vùng và cả nước nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, các chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới; giúp khơi dậy khát vọng phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, phát huy cao nhất ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng, anh dũng, cần cù, chịu thương, chịu khó của nhân dân Nghệ An; phát huy truyền thống văn hóa, đặc biệt là văn hóa xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển; coi việc thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cả nước chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của tỉnh Nghệ An. 

Ba là, Nghị quyết là căn cứ, cơ sở chính trị quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, phù hợp để tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn; thúc đẩy đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để khai thác, phát huy hiệu quả hơn các tiềm năng, thế mạnh; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tạo ra sức mạnh tổng thể cho phát triển tỉnh trong giai đoạn tới. Cùng với việc quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Nghị quyết số 39-NQ/TW sẽ mở ra các cơ hội, thống nhất và mở rộng không gian phát triển cho tỉnh, giúp tỉnh phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế; thu hút các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho phát triển, đặc biệt là phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ.   

Những giải pháp quan trọng theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW cần nhấn mạnh và làm rõ thêm

Quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu củaNghị quyết vừa được đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày và được đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương tham luận, làm sâu sắc thêm. Tại Hội nghị hôm nay, Tôi chỉ lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng theo tinh thần của Nghị quyết.

Thứ nhất, phát triển tỉnh Nghệ An cần đặt trong tổng thể phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ cũng như của cả nước, để từ đó tạo ra sự cộng hưởng, tạo động lực mới cho phát triển tỉnh, đồng thời góp phần phát triển vùng trong giai đoạn mới. Các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết với tỉnh Nghệ An trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là hai địa phương liền kề: (i) Tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp với tỉnh Nghệ An hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An: Khu vực Hoàng Mai, Đông Hồi Nghệ An - khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hoá - khu vực Tây Bắc Nghệ An; (ii) Tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Nghệ An trong phát triển khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, nhất là về dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kiên trì định hướng phát triển nhanh và bền vững, dựa nhiều hơn vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao để bắt nhịp được với xu hướng phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới; tận dụng được lợi thế người đi sau, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Phát triển mạnh, bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển; phát huy vai trò lan toả của dải động lực phát triển ven biển gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển.

Thứ ba, tổ chức, sắp xếp lại không gian lãnh thổ các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đảm bảo liên kết tổng thể giữa các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội liên huyện trên phạm vi toàn tỉnh; phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và khu vực phát triển như mở rộng thành phố Vinh, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, tiếp tục đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, đường cao tốc, cảng hàng không, hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gồm Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48. 

Thứ tư, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là tiếp tục, nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng của tỉnh mà Nghị quyết 39-NQ/TW đã chỉ ra gồm phát triển kinh tế biển, phát triển thành phố Vinh mở rộng, phát triển khu kinh tế Đông Nam mở rộng, phát triển 6 đô thị động lực: Thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, các huyện Con Cuông, Đô Lương, Diễn Châu. 

Nhận thức đầy đủ, toàn diện, thống nhất để bố trí nguồn lực triển khai thực hiện thành công các đột phá chiến lược cho phát triển gồm: (i) Xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược như cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi, cảng hàng không quốc tế Vinh đạt chuẩn 4E,...; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số,... (ii) Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phấn đấu nâng hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI,... tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. (iii) Xây dựng văn hóa và con người Nghệ An để văn hóa trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.

Thứ năm, phát triển tỉnh Nghệ An vừa phải đảm bảo toàn diện, vừa phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, biển, đảo; phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển; đầu tư phát triển nhanh và đột phá vùng phía Đông để thúc đẩy phát triển bền vững vùng phía Tây; tiếp tục đầu tư để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm của vùng về kinh tế và văn hóa; gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; đặc biệt phải chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định.

Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Nghệ An mới chỉ là bước mở đầu rất quan trọng, vấn đề quyết định là tổ chức thực hiện cho hiệu quả; phải biến Nghị quyết thành của cải vật chất, thành hiện thực sinh động, những điều chúng ta mong muốn Nghệ An phải giàu có hơn, mạnh hơn. Theo đó, tinh thần là địa phương cũng phải cố gắng quyết liệt hơn, là chủ lực, là nội lực, là người phải thực hành, không được ỷ lại; nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng rất quan trọng, không khoán trắng cho địa phương.

Tất cả cần vào cuộc đồng bộ với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để tạo được chuyển biến cụ thể, rõ rệt. Với tinh thần đó, Tôi đề nghị cần đặc biệt chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An; nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển tỉnh Nghệ An với phát triển vùng và phát triển chung của cả nước; nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Nghị quyết. Xác định rõ xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, đồng thời là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng. 

Thứ hai, ngay sau Hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần khẩn trương ban hành Chương trình hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với tình hình Nghệ An, của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung  bộ. Các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc. Ngoài sự nỗ lực của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng cần thực sự quan tâm hỗ trợ Nghệ An, coi đây là tình cảm, là trách nhiệm đối với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Thứ ba, khẩn trương rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, nhất là cáccơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành. Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với tỉnh Nghệ An để khẩn trương thựchiện nhiệm vụ này, đồng thời tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch tỉnh Nghệ An, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Thứ tư, đối với tỉnh Nghệ An, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng của cấp mình, địa phương mình.

Cần khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tính chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của nhân dân để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự ti hoặc tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không để thua kém các tỉnh khác. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, để thúc đẩy cùng nhau phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế to lớn vốn có của địa phương.

Tỉnh Nghệ An cần tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ với tư duy đổi mới và sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ năm, Ban Kinh tế Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết;định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thông qua việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát kịp thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết phù hợp nhằm thực hiện thành công Nghị quyết.

Thưa các đồng chí!

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW hôm nay là một dịp quan trọng để chúng ta đánh giá lại sự phát triển của tỉnh Nghệ An trong thời gian 10 năm qua; quán triệt sâu sắc, toàn diện về vai trò vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An trong vùng và cả nước; về các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phát triển của tỉnh trong thời gian tới để từ đó có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nhằm xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An nhanh hơn và bền vững hơn.

Tôi tin tưởng rằng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của con người xứ Nghệ; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong vùng và cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh để Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuối cùng xin chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quý vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân tỉnh Nghệ An sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!