Việt Nam có một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ. Điều này được biểu hiện qua sự phong phú của nhiều ngành nghề thủ công, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, kiến trúc, lễ hội độc đáo của 54 tộc người. Trong những năm gần đây, vốn di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của Việt Nam bắt đầu được phục hồi và ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế.

Việt Nam còn có dân số trẻ và tăng trưởng nhanh, có năng lực sáng tạo tốt và nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu. Một số cá nhân tài năng như các nghệ sĩ, các nhà sản xuất văn hóa và kinh doanh, tổ chức các hoạt động văn hóa có tâm huyết đang hình thành, đây chính là những nhân lực quan trọng cho sự tăng trưởng trong công nghiệp văn hóa của đất nước.

Bề dày lịch sử với nhiều thích ứng và đổi mới cũng là thế mạnh không thể không nhắc tới. Nhân dân ta có truyền thống cần cù lao động, luôn dễ dàng thích ứng với những đổi mới. Tăng trưởng trong công nghiệp văn hóa sẽ đưa bản sắc văn hóa của Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, gia tăng lợi ích kinh tế và thúc đẩy phát triển công nghệ số.

Ở Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển vì phù hợp với xu thế của thời đại.

{keywords}
Huế chuẩn bị đón du khách trở lại

Trong các ngành kinh tế Việt Nam, công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế trẻ và chỉ thực sự được biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây kể từ sau khi khái niệm này được nhắc đến trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Trong đó, nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa được gắn liền với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.

Tại Việt Nam, Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/9/2016 về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 quy định, công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng, bao gồm đa dạng lĩnh vực như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu. Song song với đó, sự phát triển của công nghiệp văn hóa đồng thời là phương thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đất nước có nền văn hiến lâu đời; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng. Điển hình là ngành du lịch văn hóa trong bối cảnh ngành du lịch đang được quan tâm và có các chính sách, chiến lược đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói” mũi nhọn, với những đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng và Nhà nước đã nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Việc phát triển các ngành công ngiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến tiêu dùng. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa còn gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nhiều cơ hội cũng như thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển với các cơ hội quảng bá toàn cầu và đem lại các giá trị lớn từ khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ.

Thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế văn hóa của Việt Nam chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu và ảnh hưởng đến sức sáng tạo của ngành. Những thiếu sót trong hành lang pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ các thành quả sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vẫn đang loay hoay gặp khó do thiếu các quy định pháp luật riêng phù hợp, đặc biệt là các nghị định, thông tư hướng dẫn về Luật Sở hữu trí tuệ làm cơ sở căn cứ quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền.

Bên cạnh đó, trong xu hướng toàn cầu hóa, công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã, đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc, vốn liếng bản địa mà Việt Nam vốn dĩ có phần lép vế so với các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… Minh chứng điển hình cho vấn đề này nằm trong số liệu của statista.com, khi doanh thu quảng cáo số tại Việt Nam năm 2018 ước đạt 663 triệu USD, đứng thứ 35 thế giới, trong đó, thị phần chủ yếu qua các công cụ quảng cáo trên mạng xã hội đạt khoảng 557 triệu USD. Tuy nhiên, quảng cáo trực tuyến trên hai doanh nghiệp nước ngoài là Facebook và Google đã chiếm khoảng 60-70% thị phần, khoảng 30% còn lại thuộc về hàng nghìn các doanh nghiệp/ mạng quảng cáo trong nước, các báo điện tử, truyền hình… Còn tại lĩnh vực điện ảnh, thống kê từ CGV - hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam, một nửa trong danh sách 10 phim điện ảnh có doanh số cao nhất trong năm 2019 là phim nước ngoài. Doanh thu khổng lồ tại thị trường phim điện ảnh Việt Nam những năm qua được đóng góp chủ yếu từ các hệ thống rạp phim có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều đáng nói là chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành còn chưa cao, thiếu các sản phẩm văn hóa thương hiệu quốc gia mang chất lượng ở cấp độ khu vực và quốc tế, năng lực cạnh tranh thấp khiến cho việc nhập khẩu sản phẩm văn hóa vào Việt Nam có khoảng cách lớn hơn vượt trội so với xuất khẩu sản phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong khi ưu đãi và lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp văn hóa đang chia nhau là rất nhỏ so với doanh nghiệp ngoại.

Xác định được tầm quan trọng từ những đóng góp đa dạng, lâu dài của ngành công nghiệp văn hóa trong xu thế phát triển mới của tương lai, Nghị quyết số 33-/NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định phát triển Công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới nhằm “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”. Nhiều bộ luật liên quan đến các ngành Công nghiệp văn hóa, như: Luật Xuất bản (2004), Luật Điện ảnh (2006), Luật Quảng cáo (2012)… cũng làm tiền đề cho việc định hướng phát triển của ngành.

Đặc biệt, Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Trong đó, những nhiệm vụ và giải pháp chung được đề ra gồm có: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Phát triển thị trường; Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hàng năm và theo giai đoạn bao gồm: (1) Xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa; (2) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa; (3) Quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam; (4) Đề án truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành công nghiệp văn hóa; (5) Đề án xấy dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như sau: “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, cụ thể các ngành như: Điện ảnh đạt 150 triệu USD; Nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đạt 80 triệu USD; Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD; Du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.

Hồ Lợi