Có thể thấy, những hạn chế và khó khăn của hệ thống logistisc trong nông nghiệp đã tạo nên điểm nghẽn cho đầu ra nông sản. Chính vì vậy, việc chú trọng đầu tư logistics cho nông nghiệp, tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic cho hàng hóa nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản của nước ta, đồng thời góp phần tăng thu nhập đối với người nông dân.
Phát triển hệ thống logistics sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cho cả vùng ĐBSCL |
Theo đó, một số đề xuất, giải pháp phát triển logistics nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản, bao gồm:
Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống logistics nhằm đảm bảo lưu thông, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh chủ trương chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa để cùng người nông dân hình thành nên hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, khâu thương mại tạo nên nền tảng logistics trong nông nghiệp ngày càng đầy đủ, khép kín.
Tiếp tục hoàn thiện, duy tu phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống các bến cảng lớn, cảng nước sâu đảm bảo cho tàu biển có tải lớn có thể hoạt động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các bến cảng hiện có để đảm bảo các phương tiện có thể lưu thông thuận lợi. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản.
Cần có quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh …). Cùng với đó, cần hình thành các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu.
Có phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho hàng hóa nông sản từ khâu canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho người nông dân.
Thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường, bảo đảm được chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản. Xây dựng các trung tâm chiếu xạ, trung tâm kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm… đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu quốc tế.
Cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển logistics hàng không để phát huy sức mạnh tổng thể logistics.
Bên cạnh đó, để nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản nói riêng và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Phát triển mạnh hơn nữa đội ngũ doanh nghiệp làm dịch vụ logistics. Khi đội ngũ doanh nghiệp logistics trong nước được mở rộng về số lượng và nâng cao về năng lực thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhiều hoạt động kinh tế nông nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay thị trường nội địa ngày càng phát triển, cửa hàng tiện lợi tăng nhanh, khiến nhu cầu vận chuyển các sản phẩm cần bảo quản lạnh như: Sữa, rau quả, thực phẩm thịt, cá, hoa tươi… cũng tăng cao. Do vậy, việc áp dụng chuỗi cung ứng lạnh vào sản xuất, kinh doanh là thật sự cần thiết. Chuỗi cung ứng lạnh sẽ giúp kiểm soát nhiệt độ như mong muốn, tăng chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bày bán của thực phẩm và đảm bảo chất lượng tại các điểm bàn giao từ nhà cung cấp đến nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ… từ đó phát triển và đảm bảo tốt cho hàng hóa nông sản tiêu thụ trong nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo các ngành hàng cần có biện pháp tạo kênh liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Các cơ quan quản lý, các bộ, ngành cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời người nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc tìm kiếm thị trường, tạo thêm những kênh bán hàng mới, đa dạng… đảm bảo hàng hóa nông sản được lưu thông, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Anh Duy