Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ KH&ĐT, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ ta. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nói trên còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội và sự tập trung nguồn lực hơn nữa của Chính phủ.

Phát triển KTTT có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên.

Ngày 22/05/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021 – 2025 (Chỉ thị số 12/CT-TTg). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành đánh giá thi hành Quyết định số 2261/QĐ-TTg để làm căn cứ xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.

{keywords}
Nhà lồng trồng rau tại một HTX của Đà Lạt

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình là: Hỗ trợ, phát triển KTTT cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của đông đảo nhân dân về KTTT, HTX; đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức KTTT để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Về nội dung, Chương trình được chia làm 2 hợp phần, bao gồm: Nâng cao trình độ nhận thức về kinh tế tập thể; Nâng cao năng lực tổ chức kinh tế tập thể.

Cải thiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo

Hiệu quả dự kiến của chương trình hướng tới 3 bình diện:

Thứ nhất, về kinh tế: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức KTTT; Góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đông đảo thành viên, đặc biệt là thành viên nông dân; Nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế; Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ 2, về chính trị, văn hóa, xã hội: Cải thiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa giàu – nghèo, đô thị- nông thôn, đồng bằng- miền núi; Phát huy các giá trị hợp tác xã: dân chủ, trung thực, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc; Nâng cao vị thế xã hội của người yếu thế, người lao động, giảm tính dễ tổn thương của vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc, và các đối tượng yếu thế trong xã hội; Góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ngay tại địa bàn cơ sở và phát triển bền vững đất nước.

Thứ 3, Lồng ghép với các chương trình khác: Thực hiện tốt Chương trình sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các chương trình của các ngành, địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về phát triển, ổn định; Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ổn định và bền vững hơn; Góp phần đẩy mạnh và hỗ trợ thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển KT- XH của đất nước.

Kinh phí và phương thức huy động

Theo Dự thảo Chương trình, tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 38.800 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 21.500 tỷ, ngân sách địa phương 15.300 tỷ và 2 tỷ đồng từ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, huy động nguồn vốn nội lực từ các tổ chức hợp tác xã thực hiện Chương trình qua phương thức các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đóng góp một phần kinh phí để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, để phát huy nội lực, khơi dậy các tiềm năng, khuyến khích và thu hút sự tham gia của các hợp tác xã, đồng thời thể hiện trách nhiệm của các tổ chức hợp tác xã trong phát triển tổ chức mình.

Vận động, huy động vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế; đưa việc vận động các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia thực hiện Chương trình vào chương trình vận động, đàm phán tài trợ của Chính phủ.

Văn Lợi
Ảnh: Nguyễn Thảo