Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ, tập trung phát triển kinh tế biên mậu và du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng địa phương; nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%, tăng bình quân 0,49%/năm
Thông tin tại sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 03-NQ/TU được ban hành, các cấp ủy đảng đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết tại Đảng bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.
Cùng với đó, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện. Cơ bản các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, được triển khai kịp thời, đồng bộ, phát huy hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.
Đến nay, tỉnh Lai Châu đã quản lý bảo vệ tốt 457.472,8 ha rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%, tăng bình quân 0,49%/năm. 100% diện tích rừng được thực hiện khoán bảo vệ rừng kết hợp với chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã chi trả trong 2 năm (2021 - 2022) là 976.709 triệu đồng, bình quân 488.355 triệu đồng/năm, tăng 142.316 triệu đồng so với bình quân năm giai đoạn 2015 - 2020; kế hoạch năm 2023 dự kiến chi trả 456.935 triệu đồng; các hộ dân gắn với rừng trên địa bàn tỉnh (bình quân trên 82.000 hộ/năm) đều được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng trong Nhân dân.
Tổng diện tích thực hiện khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng là 22.434 lượt ha, gồm: Khoanh nuôi chuyển tiếp 10.793 ha; khoanh nuôi mới 11.641 ha. Trong đó, diện tích hỗ trợ kinh phí của Nhà nước 3.114 ha; diện tích do Nhân dân tự khoanh nuôi tái sinh 8.527 ha. Tổng số lượng cây giống phục vụ trồng rừng từ năm 2021 - 2023 (đến thời điểm báo cáo) là trên 26 triệu cây, chủ yếu là Quế, Giổi xanh, Thông mã vĩ, Lát hoa, Sơn tra...
Tỉnh đã giới thiệu 32 doanh nghiệp vào khảo sát, xây dựng dự án, tìm kiếm cơ hội đầu tư; sau hơn 2 năm thực hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án về lâm nghiệp với diện tích trên 6.600 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng được 1.817 ha, một số dự án đang hoàn thiện các thủ tục đất đai để triển khai trồng rừng. Đồng thời tăng cường giới thiệu chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm lâm nghiệp.
Có 8 công ty, doanh nghiệp hiện đang nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án, 7 doanh nghiệp đang tiếp tục khảo sát và hoàn thiện các thủ tục theo quy định.
Du lịch sinh thái rừng đang dần được khai thác, thu hút đầu tư như: Điểm du lịch sinh thái, văn hoá Sin Suối Hồ, Cầu kính Rồng Mây, Sì Thâu Chải, động Pu Sam Cáp,... Hiện có 10 doanh nghiệp (tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên) quan tâm nghiên cứu đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, đang trong quá trình khảo sát để lập dự án.
Tích cực thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tận dụng tiềm năng, lợi thế tham gia phát triển dược liệu dưới tán rừng, Lai Châu đã phát triển các vùng trồng tập trung trên 35 ha Sâm Lai Châu, 10 ha Bảy lá một hoa và một số loài dược liệu khác có giá trị kinh tế cao; duy trì canh tác ổn định đối với 6.460 ha Thảo quả và 2.240 ha Sa nhân tím, nâng tổng diện tích các loại lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 11.000 ha.
Việc phát triển kinh tế dưới tán rừng nâng cao giá trị rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045…
Có thể nói, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là chủ trương đúng đắn, trọng tâm, trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, đến nay nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với Nghị quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh, việc bảo vệ và phá triển rừng là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của việc bảo vệ phát triển rừng.
Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo hướng linh hoạt, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và nhu cầu, khả năng thực hiện của từng địa phương, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất vào cuối nhiệm kỳ.
Khẩn trương ban hành Nghị quyết về phát triển Sâm Lai Châu; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách của tỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Tăng cường phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho Nhân dân. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, phòng, chống cháy rừng.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Nhân dân nơi có rừng, của chủ rừng trong tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như giám sát việc triển khai thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền…
Trung Vũ