Phát triển kinh tế biển đảo chính là biện pháp bảo vệ chủ quyền của chúng ta chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế.
Trước câu hỏi, liệu sự phát triển xấp xỉ ¼ thế kỷ qua đã tiệm cận với tiềm năng biển của nước ta chưa? TS. Trương Đình Hiển quả quyết, tiềm năng biển của chúng ta còn lớn lắm, cần phải dồn sức nghiên cứu và đầu tư để khai thác hơn nữa.
Và nếu đi đúng con đường này thì chỉ cần một thời gian nữa Việt Nam chúng ta sẽ tiến vượt xa nhiều nước khác mà hiện nay họ đang hơn ta!
TS Trương Đình Hiển kể, hồi ông bắt đầu nghiên cứu cho ra mô hình Dung Quất, nhiều người phản đối. Họ bảo: Miền Trung làm gì có hàng hóa đâu mà xây cảng! Phải có hàng hóa mới có cảng chứ! Ông trả lời: “Đúng vậy! Có hàng hóa mới có cảng. Nhưng ngược lại, phải có cảng thì mới có hàng hóa!”.
Thế là như chuyện quả trứng và con gà, cái nào có trước, cái nào có sau, cãi nhau mãi đến bất tận cũng không thể có kết quả. Tôi đưa ra lập luận: Chỗ nào có gà thì lo chỗ cho nó đẻ trứng! Chỗ nào có trứng thì cho ấp ra gà! TP.HCM và Hà Nội có con gà thì cho đẻ trứng vàng.
Phát triển kinh tế biển đảo chính là biện pháp bảo vệ chủ quyền của chúng ta chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế. |
Miền Trung có bờ biển là mặt tiền của thời đại chẳng khác chi mặt tiền đường Nguyễn Huệ ở quận 1, TP.HCM, là quả trứng vàng, cứ ấp cho nở ra gà vàng! Cãi nhau cái nào có trước cái nào có sau mất thời gian lắm. Có cái nào thì “chơi” cái đó. Đó là con đường đúng đắn đánh thức miền Trung.
Để phát huy được kinh tế biển từ biển đảo mà ông cha để lại cho chúng ta cần phải biết hành động, biết thừa nhận thực tiễn và tìm cách tận dụng và khắc phục.
Để cho đại nghiệp lớn của dân tộc thức giấc và vùng lên, chúng ta cần ra sức phát triển, đầu tư và khai thác mạnh hơn nữa.
Ông Hiển kể, có lần nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện, đã khẳng định: “Miền Trung bây giờ không còn là chiếc đòn gánh tre mà đã thành đòn gánh thép! Miền Trung đang gánh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước”… Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn hành động.
Giờ đây, Việt Nam đang đứng trước khó khăn và thách thức lớn là sự bá quyền trên Biển Đông, uy hiếp nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đây là cuộc đấu tranh sinh tồn. Cuộc đấu tranh này không phải tới giờ mới xảy ra mà đã xuất hiện và xảy ra từ mấy ngàn năm nay. Tới thời Lý Thường Kiệt ông cha chúng ta đã khẳng: “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”. Trên biên giới đất liền thì cũng như trên biển. Vấn đề là chúng ta phải có đường lối thích hợp.
Để bảo vệ và phát triển đại nghiệp của dân tộc, chúng ta cần huy động tổng lực của toàn dân. Muốn huy động được thì phải làm sao cho dân được cơm no áo ấm, được tham gia vào mọi công việc của đất nước. Phải làm sao cho nhân dân thấy cần phải lao vào hành động, lao vào công việc, chia sẻ gánh nặng.
Đối với kẻ thù gian ngoan to lớn hùng mạnh thì bao giờ chúng ta đã có cách “lấy ít đánh nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”. Đây cũng là “vũ khí” độc đáo của dân tộc ta mà ông cha truyền lại cho chúng ta. Hiện nay đối với ngạo ngược tranh chấp chủ quyền ngoài Biển, ta phải tập hợp lực lượng trong và ngoài nước. Muốn vậy phải có hòa bình, có thời cơ, có đường lối đúng.
Và phải xác định rõ thêm, phát triển kinh tế biển đảo chính là biện pháp bảo vệ chủ quyền của chúng ta chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế.
Biển của ta ngư dân đang bám trụ. Dù lực lượng ta bé nhỏ nhưng đó là công lao bảo vệ Tổ quốc rất lớn ta phải biết ơn.
Một điều nữa trong công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo vệ thành quả này của chúng ta thì lực lượng quốc tế rất quan trọng. Trong các cuộc chiến tranh của ta thì lực lượng quốc tế góp sức giúp chúng ta rất lớn.
Vùng duyên hải ta mời nước ngoài vào hợp tác khai thác, xây dựng công nghiệp, xây dựng và khai thác cảng …
Cựu đại sứ Nhật Bản Katsunari Suxuki tại Việt Nam trong cuộc gặp mặt trí thức ở Đà Nẵng ngày 26/8/1996 như sau: “Hướng tới thế kỷ 21, tôi dám khẳng định miền Trung là khu vực có vai trò then chốt trong quá trình đưa đất nước Việt Nam vào thế ổn định và phát triển. Trong chiến lược của Đông Dương thì miền Trung ở vị trí cực kỳ quan trọng vì tại đây có thể dễ dàng thiết lập một khu vực có tiềm năng phát triển to lớn lâu dài . Tôi hy vọng miền Trung sẽ là đòn bẩy cho Việt Nam và toàn bộ khu vực Đông Nam Á”…
Giờ thì đã rõ, những tiên liệu của vị đại sứ Nhật lúc đó đang càng ngày càng hiện diện dọc theo dải đất hình chữ S và đóng góp quan trọng vào đại nghiệp của dân tộc Việt Nam cho hành trình kiến tạo, phát triển.
Hằng Tâm - Hoàng Oanh