Nếu như trước kia, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của
Việt Nam chủ yếu định hướng nhiệm vụ cần nghiên cứu của khoa học, thì nay muốn
phát triển phải coi nhu cầu của doanh nghiệp là đích đến.
Thay đổi cách nhìn
Tại hội thảo quốc tế “Chiến lược KHCN và đổi mới của Việt Nam” diễn ra gần đây,
chuyên gia đến từ các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm giúp Việt
Nam xây dựng một chiến lược để phát triển KH&CN hợp lý. Khi có chiến lược tốt,
mới mong đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại.
Theo Tiến sĩ Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Khoa học và
Công nghệ, ở bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần đổi mới tư
duy, nhìn nhận lại quan điểm xây dựng chiến lược. Theo đó, chiến lược KH&CN
không xuất phát từ hoạt động nghiên cứu cho cộng đồng khoa học, mà phải hiểu
theo nghĩa rộng là tiến tới đổi mới công nghệ.
![]() |
Hội thảo quốc tế “Chiến lược Khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam” |
Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng doanh nghiệp làm khoa học cũng là một vấn đề quan trọng. Muốn doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, có năng suất cao thì chúng ta cần có hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển dựa vào công nghệ. Theo TS Trịnh, trong điều kiện phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam ở mức vừa và nhỏ thì vai trò có đầu tư mối và những cơ quan tư vấn trung gian để giúp họ tìm được nguồn công nghệ là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi tìm được nguồn công nghệ rồi, cần phải giúp họ vững tâm đầu tư bởi trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm có một số rủi ro về kỹ thuật. Lúc ấy, vai trò nhà nước là rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách, vốn ban đầu…
Đơn giản việc tiếp cận vốn
Về việc doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận với vốn nhà nước, TS Trịnh cho biết: “Chiến lược đang được soạn thảo sẽ nhấn mạnh vào việc đổi mới cơ chế, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với các nguồn tài chính của nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chủ động để lại một phần lợi nhuận trước thuế tạo thành vốn để đầu tư vào hoạt động KH&CN”.
![]() |
Vinaxuki đầu tư đổi mới công nghệ để nội địa hóa ô tô |
Tận dụng tri thức “miễn phí”
Có một thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất rụt rè trong việc công bố những sáng chế của mình bởi sợ bị lấy cắp. Một phần cũng bởi lẽ họ chưa hiểu rõ về Luật Sở hữu Trí tuệ cũng như việc quyết liệt triển khai tại Việt Nam. TS Trịnh cho rằng, trong chiến lược KH&CN sắp tới, vấn đề này sẽ được đề cập đến hai khía cạnh. Trước tiên là phải nâng cao việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần thông qua quảng bá, đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ tại cơ quan trong nước và nước ngoài để được bảo vệ cũng như tạo ra ưu thế cạnh tranh riêng.
Thứ hai, đối với các nước đang phát triển thì việc sử dụng các kho tài sản tri thức của thế giới sẵn có là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ có quy định thời hạn bảo hộ với phát minh, sáng chế và thực tế có rất nhiều sáng chế trên thế giới đã… hết hạn bảo hộ và các doanh nghiệp có thể tự do tìm hiểu và sử dụng, không phải trả phí. Đây sẽ là một nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho nghiên cứu và tập trung sức sáng tạo cho cái mới.
Tuy nhiên, để khoa học thực sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, TS Trịnh cho rằng cần phải có sự sự hỗ trợ của cả cộng đồng, trong đó vai trò các bộ, ngành và các hiệp hội liên quan là rất quan trọng.
-
Phương Nga