Để có cơ sở xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt và đảm bảo yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong năm 2022 việc rà soát, lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định, đảm bảo kết nối và phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố và quy hoạch tỉnh.
Đến nay, có 166 xã được UBND các huyện phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; 7 thị trấn đã lập điều chỉnh quy hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt gồm các thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Ngô Đồng (Giao Thuỷ); thị trấn Gôi (Vụ Bản); Yên Định, Cồn (Hải Hậu); Lâm (Ý Yên). Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Về hạ tầng giao thông, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã bổ sung quy hoạch nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (dài 28,7km); các tuyến nhánh kết nối Trực Tuấn - Yên Định (dài 9,5km; quy mô cấp I đồng bằng); Lạc Quần - Ngô Đồng (dài 10,1km; quy mô cấp II đồng bằng); tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định và tuyến nhánh...
Các địa phương cũng tiếp tục được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, kết nối thông suốt từ đường dong xóm, trục xóm, liên xóm, trục xã, liên xã đến các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ.
Hệ thống công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến cấp xã tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đã có 1.530 công trình cống, đập điều tiết phục vụ tưới tiêu, sản xuất đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp; 1.095km kênh mương được kiên cố hoá (kênh mương lớn khoảng 19km, kênh mương vừa khoảng 345km, kênh mương nhỏ khoảng 731km) cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; trong điều kiện bình thường chủ động tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác.
Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải tạo và nâng cấp theo hướng an toàn, ổn định và đảm bảo mỹ quan.
Năm 2022, Công ty Điện lực Nam Định đã đưa vào vận hành 44 mạch vòng trung áp, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Hệ thống trường học các cấp tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, duy trì kết quả phổ cập giáo dục. Tính đến giữa năm 2023, toàn tỉnh có 668 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; 587 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; 553 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xã và khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn/xóm theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.
Về nước sạch cho vùng nông thôn, trong 2 năm qua, tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng mới 1 công trình cấp nước tại huyện Xuân Trường; 1 dự án nâng cấp mở rộng nối mạng cấp nước cho 6 xã của huyện Ý Yên và 5 dự án công trình cấp nước đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Toàn tỉnh có 52 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Các huyện tiếp tục chỉ đạo cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải tập trung của các xã/thị trấn theo yêu cầu thân thiện với môi trường, đảm bảo nước thải, khí thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực đã góp phần xây dựng, phát triển khu vực nông thôn theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp. Điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách, pháp luật của Nhà nước và tri thức mới.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn.
Tính đến ngày 3/11/2023, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định công nhận 192/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 92,6%) và 20/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 10,1%).
Được biết, cuối năm 2023 và năm 2024, tỉnh chủ trương tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: Giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch, môi trường... Chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng,...