1a.jpg
Khi có nội dung thông tin tiếng Việt dồi dào sẽ thúc đẩy lượng người truy cập Internet .Ảnh: Thanh HẢI

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực Internet, thị trường Internet Việt Nam hiện nay đang có tốc độ phát triển nhanh; Thuê bao băng rộng đang có xu hướng chuyển từ ADSL sang FTTH khi mức giá của dịch vụ đang ngày càng trở nên "bình dân" hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng Internet của Việt Nam vẫn chỉ ở mức hơn 30 triệu người trên tổng số gần 90 triệu dân, tương đương với việc 2/3 người dân Việt Nam chưa được tiếp cận được với Internet, trong đó số lượng người sử dụng Internet giữa nông thôn và thành thị vẫn còn khoảng cách tương đối xa.

Tại buổi giao lưu "Ngày Internet Việt Nam" diễn ra chiều ngày 1/12, khi được hỏi làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ đưa dịch vụ Internet đến người dân Việt Nam, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: Để có thể tăng số lượng người dùng Internet từ 30 triệu lên 60 - 70 triệu người, ngoài việc phát triển các thiết bị đầu cuối, điều kiện tiếp cận Internet thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nội dung. Tuy nhiên, hiện còn rất ít nội dung trên Internet ngoại trừ các dịch vụ giải trí và game, các dịch vụ nội dung thiết thực khác gần như chưa phát triển do những vướng mắc về vấn đề bản quyền khi mà bản thân Luật bản quyền còn chưa thực sự rõ ràng. "Bản thân tôi khi chấm thi Nhân tài Đất Việt cũng rất khó chấm game Việt vì khó xác định yếu tố Việt trong đó", ông Long cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Dương Telecom cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam cần sự tham gia của 3 yếu tố, bao gồm, công nghiệp nội dung, đường truyền và thiết bị đầu cuối. Cụ thể, đối với công nghiệp nội dung, do trình độ tiếng nước ngoài còn hạn chế nên nội dung tiếng Việt cực kỳ quan trọng trong sự phát triển Internet và cần phải được khuyến khích để phát triển nội dung. Đường truyền cũng cần phải có sự đồng bộ giữa các loại truyền dẫn khác nhau như cáp quang, 4G (hoặc 3G), trong đó công nghệ không dây sẽ là giải pháp phù hợp nhất. Cuối cùng, về thiết bị đầu cuối, các doanh nghiệp, nhà nước phải làm sao để mọi người dân đều có thiết bị giá rẻ như cung cấp các thiết bị truy nhập Wifi giá rẻ cho người dân hay thiết bị phát sóng Wifi phải ở mọi nơi khi mà một vài điểm bưu điện văn hoá xã hiện nay chắc chắn sẽ không đủ cho tất cả người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sử dụng.

"Để làm được việc này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, Internet chắc chắn sẽ không thể giải quyết được mà cần đến sự đồng bộ của cả xã hội và sự nỗ lực hợp tác của người dân", ông Chiến kết luận.

Ông Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom cho biết, để có thể đưa Internet về vùng sâu, vùng xa, Hiệp hội Internet cần định hướng các doanh nghiệp để xây dựng nội dung tiếng Việt để người dùng Internet Việt Nam hạn chế truy cập ra nước ngoài. "Khi có nội dung thông tin tiếng Việt dồi dào sẽ thúc đẩy lượng người truy cập Internet, bởi vì việc truy nhập trang web nước ngoài sẽ khiến người dân cảm thấy xa lạ, không muốn truy cập tiếp", ông Toản nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Toản, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cũng cho rằng, nội dung sẽ là yếu tố quyết định thu hút nông dân sử dụng cũng như gắn bó với Internet, giống với di động, thấy lợi ích thiết thực thì sẽ dùng thông qua việc Việt hoá nội dung thông tin càng nhiều càng tốt bằng cách sử dụng tên miền tiếng Việt. Ví dụ báo điện tử phổ dụng nhưng người dân nông thôn vẫn xa vời vì gõ chữ "VnExpress" nhiều khi còn sai nhưng nếu đưa các trang web có địa chỉ tên miền như giá ngô.vn, kỹ thuật chăn bò.vn, chữa rắn cắn.vn... thì sẽ gắn liền với đời sống thực và người dân dễ quan tâm hơn.

"Tên miền tiếng Việt là công cụ hữu hiệu để người dân tiếp cận, thu hút người dùng, "hữu xạ tự nhiên hương", người dân thấy hay thì sẽ vào", ông Tân khẳng định.

 

Chiến lược "Đề án nước mạnh về CNTT" có đưa ra vấn đề phổ cập băng rộng đến 80% dân số vào năm 2015. Về vấn này, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty VASC cho rằng, mặc dù mục tiêu Chính phủ đưa ra rất tốt nhưng cho đến giờ, các doanh nghiệp vẫn thực hiện kinh doanh, tính toán hiệu quả theo các chỉ tiêu của doanh nghiệp mình chứ chưa có các phương án thực hiện chương trình của Đề án. Khi nhà nước không có chính sách rõ ràng hỗ trợ và để doanh nghiệp tính toán thấy có lãi mới làm thì việc đạt 80% vào năm 2015 khó khả thi bởi vì tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp là 30 - 40% thì mới đạt được mục tiêu.

Cụ thể, như với VNPT, trước đây, khi giá cả chưa cạnh tranh mạnh, lợi nhuận băng rộng còn cao nhưng hiện tại, do giá Internet ở Việt Nam rất rẻ nên dẫn đến lợi nhuận ngày càng giảm. Vì thế, nếu tính toán đủ thì VNPT sẽ lỗ khi đầu tư mạnh và khó tạo động lực cho doanh nghiệp tái đầu tư cho hạ tầng Internet Việt Nam.

Năm 2010, Hiệp hội Internet Việt Nam chính thức được thành lập. Và ngày 1/12 hàng năm đã được chọn là ngày truyền thống của Internet Việt Nam. Đây là ngày hội của những người sử dụng Internet cũng như của những nhà cung cấp dịch vụ Internet. Thay vì các hoạt động hội chợ, triển lãm như năm ngoái, năm nay, Hiệp hội Internet Việt Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo ICT Việt Nam thực hiện Toạ đàm chủ đề "Tương lai Internet Việt Nam", tập trung vào vấn đề làm sao để thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 144 ra ngày 2/12/2011.