Ngày 28/4, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Ann Marie Yastishock đã bàn giao gần 100 bẫy ảnh và các thiết bị đi kèm cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) để hỗ trợ công tác giám sát đa dạng sinh học tại đây. Trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ, hệ thống bẫy ảnh gồm hơn 900 trạm bẫy ảnh sẽ được lắp đặt tại một số vườn quốc gia Việt Nam, trong đó có Bidoup - Núi Bà, để thu thập thông tin, giám sát và bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ đang được WWF-Việt Nam phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Từ tháng 12/2021, Hợp phần đã thiết lập một hệ thống bẫy ảnh với hơn 960 trạm nhằm phục vụ giám sát bảo tồn.
Bẫy ảnh có cảm biến nhiệt và cảm biến chuyển động, có thể ghi nhận tất cả các loài động vật có trọng lượng lớn hơn 500 grams khi di chuyển trước cảm biến của bẫy ảnh. Do vậy, thiết bị này có khả năng giúp giám sát sự phân bố cùng với những đặc tính của quần thể thú và các loài chim cỡ vừa và nhỏ trú ngụ trên mặt đất, đặc biệt là các loài khó theo dõi và quý hiếm vốn rất khó thu thập thông tin bằng các phương pháp khác.
Với hệ thống bẫy ảnh với quy mô rộng lớn, bao phủ 21 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và rừng phòng hộ, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học mong muốn ghi nhận sự hiện diện, tần suất xuất hiện, mô hình di chuyển của các loài thú và chim sống trên mặt đất, từ đó đề xuất giải pháp bảo vệ và bảo tồn hiệu quả. Từ các bẫy ảnh đã lắp đặt, Dự án cũng đã bước đầu thu thập được hình ảnh của một số loài động vật quý hiếm như mang lớn, báo hoa mai, cầy vằn, gà lôi, v.v…
Các thông tin thu thập được cũng sẽ là dữ liệu để các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng xác định rõ hơn về “tài nguyên đa dạng sinh học” tại địa bàn quản lý của mình để có được biện pháp quản lý phù hợp.
“Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng tôi vô cùng cảm kích và đánh giá cao sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho những nỗ lực của các vườn quốc gia và rừng đặc dụng trong việc giám sát đa dạng sinh học thông qua dự án VFBC”, ông Vũ Văn Hưng- Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Dự án VFBC cho biết.
Trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường quản lý và bảo vệ các vùng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được coi là một trong những cách tiếp cận quan trọng nhất để bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn nguồn tài nguyên cho sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh các vùng rừng còn đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động của con người, bao gồm khai thác rừng quá mức và săn bắt động vật hoang dã trái phép.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, và chúng tôi rất tự hào được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Chúng tôi mong đợi sẽ đa dạng hóa và mở rộng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục bảo vệ rừng và đa dạng sinh học”, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, chia sẻ tại buổi bàn giao thiết bị bẫy ảnh cho Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.
Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học và nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học còn triển khai các hoạt động phát triển sinh kế cho người dân xung quanh các vùng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cũng như truyền thông vận động cộng đồng nhằm giảm thiểu hoạt động săn bắt và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học một cách bền vững.
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đang ẩn chứa những giá trị đặc biệt: Nằm trong vùng tam giác phát triển du lịch của Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với 3 trung tâm du lịch lớn TP.HCM – Đà Lạt – Nha Trang; có nhiều cảnh quan tươi đẹp, có sông (Đa Nhim, Serepok), có núi (Lang Biang, Bidoup), các thác nước, hệ các đỉnh cao dễ tiếp cận; khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm; hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng sinh học cao; giàu tài nguyên nhân văn (phong tục tập quán người K’Ho bản địa, sự thanh lịch mến khách của người Đà Lạt, giá trị văn hóa hội tụ từ nhiều vùng miền của các cư dân đến lập nghiệp).
Sự khác biệt đặc biệt với các vườn quốc gia khác là các giá trị được quốc tế công nhận: Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trong hệ thống các công viên quốc gia toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, Không gian văn hóa cồng chiêng, di sản Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận, là Vườn di sản ASEAN, là một trong 221 khu xem chim quốc tế.
Tình Lê