Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ cho Fintech phát triển
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước: Tại thị trường Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 công ty Fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty Fintech, Indonesia là 262, Malaysia có 196 công ty thuộc lĩnh vực này.
Đa số các công ty Fintech của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, đã có 26 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến (như Moca, Payoo, VinaPay, MoMo...), hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS.
Bên cạnh những loại hình Fintech trên, Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado hay FirstStep...), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (BankGo, Moneylover, Mobivi), ngân hàng kỹ thuật số (Timo)...
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp này hoạt động còn chưa đầy đủ, do đó một số loại hình doanh nghiệp hoạt động mang tính tự phát, tiềm tàng rủi ro. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp và cả các doanh nghiệp lớn cùng các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhận thấy nhiều cơ hội chưa được khai thác ở lĩnh vực Fintech tiềm năng của Việt Nam.
Cũng theo ông Nghiêm Thanh Sơn, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2017, nhằm thúc đẩy hoạt động và phát triển các công ty Fintech tại Việt Nam cũng như cung cấp hướng dẫn chiến lược và kế hoạch thúc đẩy đổi mới công nghệ Fintech tại Việt Nam, các chuyên gia tin rằng các doanh nghiệp Fintech Việt Nam đang có sự dịch chuyển dần từ lĩnh vực thanh toán sang các lĩnh vực khác, khó hơn và mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo khởi nghiệp Công nghệ Tài chính trong khuôn khổ Techfest 2018. |
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo khởi nghiệp Công nghệ Tài chính trong khuôn khổ Techfest 2018. |
Hợp tác cùng phát triển
Chia sẻ tại Hội thảo khởi nghiệp Công nghệ Tài chính trong khuôn khổ Techfest 2018, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam cho biết: Trong lĩnh vực ngân hàng, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech những năm trở lại đây là một vấn đề được nhiều ngân hàng thực sự quan tâm. Tuy nhiên, công ty Fintech và ngân hàng đều có những ưu điểm riêng biệt mà cả hai bên có thể khai thác lẫn nhau.
Đối với các công ty Fintech, việc sử dụng những công nghệ hiện đại để xây dựng các giao diện thân thiện với người sử dụng là một trong những thế mạnh nổi trội.
Các công ty Fintech không sở hữu cơ sở hạ tầng thị trường tài chính cơ bản, do đó mục tiêu của họ là giúp người sử dụng có trải nghiệm tốt hơn những dịch vụ hiện có của ngân hàng.
Bên cạnh đó, các công ty này cũng làm tốt hơn ngân hàng trong việc nắm bắt các giá trị cốt lõi của khách hàng từ lượng dữ liệu lớn nhằm cung cấp những dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn.
Ngược lại với các công ty Fintech, các ngân hàng vẫn giữ được những lợi thế cạnh tranh nhất định, đó là những mối quan hệ từ lâu với khách hàng, hành lang pháp lý quy định cụ thể, chặt chẽ, kinh nghiệm trong quản trị rủi ro và sự kết nối liên thông với hạ tầng thị trường tài chính trong nước và quốc tế…
Lợi thế của ngân hàng là điểm yếu của công ty Fintech và ngược lại, do đó ông Trần Công Quỳnh Lân đưa ra thông điệp: “Vietinbank mong muốn hợp tác với các chuyên gia, các công ty Fintech để tăng cường khả năng công nghệ, đưa ra các sản phẩm sáng tạo và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn”.
Đồng tình với quan điểm hợp tác, ông Trần Duy Diễn, đại diện Viettel Telecom cho rằng: Trong mối quan hệ hợp tác cần có thêm vai trò của nhà cung cấp hạ tầng mạng. Các ngân hàng, các dịch vụ Fintech cung cấp các giải pháp tài chính trên mọi thiết bị di động có kết nối Internet.
Với lợi thế về hạ tầng mạng viễn thông với hơn 70.000 trạm BTS, phủ sóng 63 tỉnh, thành phố, cơ sở hạ tầng IOT, Viettel cùng chung tay với ngân hàng và công ty Fintech để tạo thành chuỗi giá trị, mang dịch vụ tài chính đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kết nối tới mọi tầng lớp xã hội.
Xây dựng khung pháp lý
Từ xu hướng phát triển của lĩnh vực Fintech và thực trạng tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, các đại biểu tham gia hội thảo đều có ý kiến đề xuất Chính phủ cần ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái lành mạnh để các công ty Fintech cung cấp các giải pháp, dịch vụ sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết: Triển khai Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech vào tháng 3/2017.
Ban chỉ đạo đang nghiên cứu xây dựng Đề án áp dụng cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; Xử lý các vấn đề triển khai dịch vụ mới. Theo đó, sẽ tập trung nghiên cứu một số vấn đề trọng tâm như công nghệ chuỗi, khối (blockchain), cho vay ngang hàng (P2P Lending); Định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API), thanh toán điện tử (e-Payments); Tăng cường hợp tác quốc tế, ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đổi mới tài chính với các cơ quan quản lý tài chính trên thế giới như FSC Hàn Quốc và MAS Singapore.
Ông Aaron Macdonald, Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Centrality cho rằng: Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nền kinh tế đang phát triển nên sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết. Với việc Chính phủ Việt Nam đang triển khai việc hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho phát triển đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cần đi tắt đón đầu để phát triển mạnh mẽ hơn. Là công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, Centrality kỳ vọng sẽ hợp tác với Việt Nam để phát triển dịch vụ tài chính xuyên biên giới.