Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo tới đó. Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế.

Ngay khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển giao thông đi trước một bước, tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các mục tiêu phát triển được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Vì vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm “đi trước mở đường” được xem là mũi nhọn đột phá.

{keywords}
Ảnh minh họa Hồng Nhì

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hạ tầng giao thông Việt Nam từ khi đổi mới đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 3 đột phá chiến lược tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ so với nhiệm kỳ trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một số công trình giao thông được quy hoạch và đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại như đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, góp phần tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước mạnh mẽ. Bên cạnh những dự án giao thông trọng điểm tạo các trục xương sống, trong những năm qua, với chủ trương xây dựng nông thôn mới, hàng vạn km đường đã được xây dựng trên cơ sở phát huy tốt các hình thức xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông nông thôn.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước sau những năm 2000, các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng bắt đầu được đầu tư xây dựng. Và đến nay, khi Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng hoàn thành từ Lạng Sơn vào đến Cần Thơ cùng với hơn 1.000 km cao tốc được đưa vào khai thác đã giúp khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố được rút ngắn, xích lại gần nhau hơn.

Điều này thực sự đem lại những “cú hích” về phát triển kinh tế cho các địa phương.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho các dự án giao thông mang tính dân sinh, xóa đói giảm nghèo. Những chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng giao thông đã thể hiện hướng đi đúng đắn, tạo động lực để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện an sinh xã hội.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với việc phát triển giao thông nông thôn phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, qua đó góp phần giúp nhiều vùng nông thôn xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Hà Dũng