Tốc độ này cao hơn 40 lần so với tốc độ mạng 4G hiện có và gấp hơn hai lần so với mức cao nhất của mạng 5G đã từng thử nghiệm tại Việt Nam. Trao đổi với phóng viên, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhấn mạnh, đây là một kết quả vô cùng ấn tượng, tạo tiền đề cho các ứng dụng tiên tiến về 5G phát triển tại Việt Nam trong những năm tới.
Viettel phối hợp với Ericsson và Qualcomm thiết lập được tốc độ 5G lên tới 4,7Gb/s trong phòng Lab mới - cao nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Điều này có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển 5G ở Việt Nam?
4,7Gb/s chắc chắn là tốc độ cao nhất tại Việt Nam. Đó là một kết quả vô cùng ấn tượng, được phát triển từ tiền đề của các cuộc thử nghiệm 5G chúng tôi đã làm trước đây, khi đó tốc độ vẫn chỉ vào khoảng 1,5 đến 2Gb/s.
Khi đạt được tốc độ này, ở khía cạnh người dùng, chúng ta có thể tận hưởng nhiều trải nghiệm sống động như Cloud gaming, hay còn gọi là dịch vụ chơi game trên nền tảng đám mây hay xem các sự kiện thể thao ở sân vận động với toàn bộ trải nghiệm 360° như thật trong thế giới ảo.
Về khía cạnh doanh nghiệp, nhờ tốc độ này, chúng ta có thể áp dụng robot điều khiển bằng đám mây hoặc robot từ xa tại các nhà máy. Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất 4.0 như hiện nay, các nhà máy có thể áp dụng robot điều khiển bằng đám mây với robot không dây để sản xuất.
Và điều này đỏi hỏi mạng kết nối có tốc độ cao và độ trễ thấp. Tương tự đối với các phương tiện tự hành, giao thông tự động, chăm sóc sức khoẻ từ xa hay nhiều trường hợp khác nữa. Điểm mấu chốt ở đây là là tốc độ càng cao, các ứng dụng càng trở nên tốt hơn.
Để đạt được tốc độ ở mức này, công ty của ông đã hỗ trợ Viettel ra sao trong quá trình thử nghiệm? Các giải pháp có gì đặc biệt và bài học thu được qua việc hợp tác này là gì?
Thực chất là không chỉ thử nghiệm, Ericsson cũng có 97 mạng 5G thương mại trên toàn cầu, và đã hoạt động được một thời gian. Theo đó, chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong sự hợp tác này. Điển hình như giải pháp công nghệ có tên là Ericsson Streetmacro.
Đây là một giải pháp 5G rất dễ cài đặt, có tốc độ vô cùng cao và độ trễ thấp. Chúng tôi có một danh mục các giải pháp 5G cho mỗi khu vực địa lý khác nhau. Ví dụ như ở vùng nông thôn, với phạm vi phủ sóng thường kém, chúng tôi có giải pháp 5G khác. Nhưng với các khu vực có mật độ dân cư cao, các thành phố lớn như Hà Nội thì giải pháp phù hợp là Ericsson Streetmacro. Đây cũng là giải pháp mà chúng tôi sử dụng cho đợt thử nghiệm với Viettel.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp kinh nghiệm toàn cầu với nguồn lực là các chuyên gia và kỹ sư trong nước. Hạ tầng mạng không thể đứng độc lập, bạn cần thiết bị, ứng dụng để có một giải pháp hoàn chỉnh. Vì vậy, Viettel, Ericsson và Qualcomm đã cùng hợp tác xây dựng và đóng góp vào Viettel Innovation Lab, trong đó Ericsson cung cấp giải pháp về 5G, sử dụng cơ sở hạ tầng mạng của Viettel và Qualcomm đóng góp ứng dụng, thiết bị.
Ông có nhận xét gì về tốc độ 5G này ở Việt Nam so với mạng 5G trong khu vực cũng như các quốc gia mà công ty ông kinh doanh?
Ericsson đã khai thác và có rất nhiều hợp đồng 5G trên thế giới, trong đó có 97 nhà mạng đã thực sự được triển khai thương mại như Telstra ở Úc, hay Verizon ở Mỹ, SK Telecom của Hàn Quốc… và rất nhiều thử nghiệm khác đang diễn ra.
Bởi vậy mà tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ sớm chính thức thương mại hóa 5G. Đây là điều mà tất cả chúng tôi đều mong đợi, nhất là khi đã đạt được tốc độ 5G cao kỷ lục như vậy.
Theo ông, để thúc đẩy 5G phát triển rộng rãi, mạnh mẽ hơn nữa, Việt Nam nói chung và các nhà mạng như Viettel cần thêm điều kiện, yếu tố gì?
Tôi nghĩ cách làm sẽ là mở rộng trên nền tảng 4G đã có bởi vì 4G vẫn là nền tảng cho 5G. Một số thiết bị 4G của Ericsson đã sẵn sàng cho 5G, chỉ cần nâng cấp phần mềm. Vì vậy, chúng tôi muốn đề xuất, tiếp tục mở rộng cho 4G để chuẩn bị thúc đẩy 5G.
Cái thứ hai đó là đảm bảo những thử nghiệm đem lại kết quả tích cực. Ericsson đã thực hiện những thử nghiệm với Viettel trên 5G từ rất sớm, vào năm 2019 và thử nghiệm thương mại vào cuối năm 2020. Lần này, chúng tôi thử nghiệm giải pháp sóng 5G mmWave trong khuôn khổ Viettel Innovation Lab. Điều này rất quan trọng, nhất là khi các bên cùng hợp tác để giúp xây dựng hệ sinh thái, bởi 5G không chỉ về công nghệ mà còn về quan hệ đối tác, sự hợp tác.
Công nghệ là yếu tố thúc đẩy, nhưng thực sự hợp tác cũng quan trọng không kém. Qua đây, chúng tôi muốn thúc đẩy xây dựng một sinh thái để đảm bảo khi cơ sở hạ tầng 5G được triển khai trong tương lai, nó sẽ không chỉ là triển khai về mặt công nghệ, mà sẽ là sự hợp tác qua đó các ứng dụng và thiết bị sẽ giúp mang lại lợi ích thực sự cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Việt Nam đang lập kế hoạch để đảm bảo triển khai cơ sở hạ tầng đúng cách. Việt Nam có nhiều lợi thế vì nhân lực sáng tạo, hiểu biết công nghệ, ham học hỏi. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt ở Việt Nam, đang phát triển mạnh mẽ, cùng với sự xuất hiện ngày càng đông của các startup. Việt Nam hiện là 1 trong ba quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á về khởi nghiệp, như vậy đây là một nền tảng tương đối vững chắc.
Điều này cũng giống như việc xây dựng đường xá, đường hầm, cầu, sân bay và cảng biển trước đây khi đất nước xây dựng cơ sở hạ tầng, để từ đó tạo tiền đề cho nhiều ngành công nghiệp, nhiều doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, thông qua đó nhiều mô hình doanh nghiệp mới xuất hiện. Ví dụ như 20, 30 năm trước, không ai có thể dự đoán được những cơ hội mà các công ty như Facebook, Airbnb, Twitter mang lại. Như vậy thì chúng ta cũng không thể dự đoán những gì công nghệ mới, tự động hoá sẽ đem đến trong tương lai.
Nếu nhìn vào triển vọng 5G ở Việt Nam qua những bước thử nghiệm tốc độ, lắp đặt hệ thống của đối tác Viettel, ông có dự báo gì?
Chúng tôi dự đoán vào năm 2026, khoảng 40% tổng số người dùng điện thoại di động sẽ sử dụng 5G. Tức là chỉ còn 5 năm nữa, người dùng sẽ sử dụng 5G thay thế cho 4G, 3G hay các thế hệ trước đó. Đây là một con số đáng chú ý.
Và tôi cũng kỳ vọng điều tương tự ở Việt Nam. Từ góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng sẽ có nhiều người muốn sử dụng công nghệ 5G tốc độ cao. Bởi vì người dân Việt Nam muốn có công nghệ tốt nhất, muốn trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng thiết bị thông minh, khi chơi game, khi phát video, khi lướt mạng xã hội…
Đối với góc độ doanh nghiệp, như tôi đã chia sẻ, mọi ngành nghề đều có nhu cầu về kết nối ngày càng tăng. Ví dụ như với nông nghiệp, nhu cầu về tự động hoá cũng tăng khi ngày càng nhiều trang trại ở quê, nhưng người dân lại có xu hướng dịch chuyển sang thành thị. Khi áp dụng công nghệ 5G, họ có thể điều khiển tại những cánh đồng khổng lồ trong các trang trại từ xa, mà không cần phải đến tận nơi làm việc.
Hay như với thương mại điện tử, mọi người đều thấy vai trò của lĩnh vực này trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều xu hướng mua sắm trên nền tảng số hơn. Tương tự với ngư nghiệp, lâm nghiệp, vận tải, năng lượng và nhiều ngành công nghiệp khác, cũng sẽ hưởng lợi từ 5G.
Một điểm nữa đó là khi mọi người có thể làm việc từ xa mọi lúc, mọi nơi thì học tập cũng tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người có thể tiếp cận với giáo dục ở bất cứ đâu. Như vậy, nó cũng sẽ thay đổi cơ hội của mỗi cá nhân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Điều đó, theo tôi là lợi ích cho xã hội, không chỉ Việt Nam mà còn là toàn cầu.
Thu Quỳnh