1.jpg.jpg

Cuộc chơi của các nhà phát hành lớn

Sau VNG, VTC Game và FPT Online, mới đây Asiasoft cũng tuyên bố trong năm 2011 cũng sẽ phát triển dự án game Việt để phục vụ game thủ trong nước. Như vậy, “tứ trụ” được xem là có tầm vóc lớn nhất tại Việt Nam về tài chính trong làng game, chính thức bước vào cuộc đua về phát triển game Việt.

VNG được xem là nhà phát hành có khả năng thống trị thị trường game Việt lớn nhất, bởi họ đã có kinh nghiệm khi thành công với Thuận Thiên Kiếm và đang phát triển nhiều dự án game Việt khác, trong đó có cả game 3D. VTC Game cũng không chịu thua kém với việc cho ra đời dự án SQUAD và bắt đầu thử nghiệm trong thời gian tới.

Với lời tuyên bố của Asiasoft, thị trường game Việt có thể nói là thêm đông vui, nhưng Asiasoft với FPT Online sẽ phát triển game Việt như thế nào vẫn là một ẩn số. FPT Online từng tuyên bố sẽ cho ra mắt dự án game Việt đầu tiên là một game thể loại Casual vào tháng 7/2010, nhưng đến nay nó vẫn chỉ là câu nói cửa miệng, vẫn chưa có thông tin gì nhiều về dự án này. Còn Asiasoft tuyên bố sẽ bắt đầu vào năm 2011, nhưng liệu khi nào game thủ sẽ được chơi game, câu trả lời sẽ là rất khó bởi ai cũng biết nhà phát hành này vẫn đang gặp khó trong việc phát hành các game của mình. Điển hình mới đây họ đã khai tử thêm 2 game là Ragnarok và Cỗ máy thời gian và vẫn tiếp tục giữ danh hiệu nhà phát hành khai tử game nhiều nhất trong nước.

Nhà phát hành nhỏ: An phận

Trong khi các nhà phát hành lớn đang có những cuộc đua về game Việt, mặc dù vẫn còn một vài nhà phát hành chưa có gì được xem là chắc chắn, thì các nhà phát hành nhỏ trong nước gần như im tiếng ở lĩnh vực này. Có thể thấy các nhà phát hành như Deco, SaigonTel, NetGame, VDC-Net2E… vẫn đang “an phận” với việc mua game về phát hành trên thị trường.

Đây là một điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi xét về “nội lực” họ vẫn chưa thể tuyên bố mạnh mẽ như các nhà phát hành lớn ở trên được. Phát triển một game Việt hiện nay có thể nói là không phải chuyện một sớm một chiều mà nó phải có kế hoạch dài hơi, có vốn và nguồn nhân lực. Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn đang thiếu hầu hết các yếu tố đó, cụ thể là nguồn nhân lực làm game vừa thiếu và yếu. Ngay cả VNG, khi phát triển Thuận Thiên Kiếm, họ đã phải tự bỏ tiền túi ra gửi các nhân viên của mình ra nước ngoài đào tạo xong mới về làm việc được. VTC Game thì để xây dựng được một đội ngũ phát triển game SQUAD đã bỏ ra không ít tiền đầu tư, đào tạo nhân viên, thậm chí là thuê cả các nhân viên nước ngoài để về làm cho mình.

Bên cạnh nguồn nhân lực thì vốn cũng là một bài toán lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Liệu doanh nghiệp nhỏ nào sẵn sàng bỏ 25 tỷ để phát triển game Việt như VNG và nuôi không nhân viên 2 năm để làm? Câu trả lời sẽ là rất khó, bởi thực tế họ chỉ mới phát hành game thôi cũng đã phải suy nghĩ cách để duy trì và nuôi nhân viên hiện tại của mình, nói gì đến việc đầu tư để phát triển game Việt.

Việc phát triển game Việt trong nước có thể khẳng định đó chỉ là “cuộc chơi” của các nhà phát hành lớn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại cũng chỉ để quảng bá thương hiệu là chính. Để đưa game Việt trở thành một thương hiệu và dần thay thế các game “nhập khẩu” trên thị trường hiện nay vẫn là một bài toán rất khó.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 143 ra ngày 29/11/2010.