Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh mà còn là chìa khóa để đưa đất nước 'cất cánh'.
Ngày 21/1, tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tọa đàm với các tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu về chủ đề: “Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - cất cánh trong kỷ nguyên thông minh”.
Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan; đại diện các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại sự kiện, đại diện Việt Nam và doanh nghiệp trong, ngoài nước đã chia sẻ để cùng tìm ra những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư thời gian tới.
Mở đầu tọa đàm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ Việt Nam với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ.
Theo ông Bình, có 3 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam chuyển mình thành một quốc gia hàng đầu về AI và bán dẫn.
Thứ nhất, đó là một Việt Nam mới, một Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên kiến tạo tăng trưởng, thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, từ kiểm soát quy trình sang quan tâm kết quả.
Thứ hai là Việt Nam đã chọn khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI, bán dẫn, chuyển đổi số làm động lực quan trọng trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số. Đây là yêu cầu, mong muốn của cả hệ thống chính trị. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng đã có những cam kết sẽ làm gì để đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ông Bình cũng khẳng định, nhờ định hướng này, Việt Nam đã dần khẳng định vị thế công nghệ của mình. Từ một quốc gia chỉ cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam giờ đây cùng với Ấn Độ là hai quốc gia có doanh thu hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1 triệu kỹ sư CNTT và 500.000 lập trình viên phần mềm. NVIDIA đã lựa chọn Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” và đầu tư mạnh mẽ vào đây. Đồng thời, Việt Nam cũng đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng cho AI với việc vừa ra mắt nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
Thứ ba, ông Bình cho rằng Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc đưa AI, STEM vào đào tạo người học ở tất cả các cấp, từ tiểu học.
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện các tập đoàn lớn của nước ngoài khẳng định tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc phát triển công nghệ, đặc biệt là AI và năng lượng. Các công ty cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Đặc biệt, ông Sanjay Gupta, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google khẳng định ông rất hào hứng với tương lai AI của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Google, AI có thể đóng góp gần 80 tỷ USD vào GDP của Việt Nam mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Giải đáp các ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu cũng như cảm ơn các doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn là chìa khóa để đưa đất nước "cất cánh" trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.
Tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo chiến lược này, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2024 - 2030): Tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040): Trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.
Giai đoạn 3 (2040 - 2050): Trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Chính phủ đặt mục tiêu ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Bộ TT&TT cũng đã đưa ra chiến lược AI ứng dụng để thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội. Bộ TT&TT nêu rõ quan điểm, phát triển AI ứng dụng góp phần triển khai thành công kinh tế số, xã hội số, chính phủ số ở Việt Nam; hợp tác quốc tế có hiệu quả để phát triển AI ứng dụng.
Lấy con người làm trung tâm, đảm bảo hài hòa các lợi ích mà AI ứng dụng mang lại cho các ngành, lĩnh vực, đảm bảo an toàn cho các sản phẩm, dịch vụ AI, đồng thời không vi phạm các vấn đề đạo đức, chuẩn mực con người khi triển khai AI.
Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy phát triển AI ứng dụng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, làm tốt vai trò cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp AI với các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng AI.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, AI ứng dụng góp phần thông minh hóa 100% thủ tục hành chính có điều kiện cung cấp trực tuyến; 100% đô thị ở Việt Nam triển khai AI ứng dụng để giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị.
Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AI ứng dụng cho tối thiểu 1.000 cán bộ, chuyên gia các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển AI ứng dụng cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.