Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội thảo Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, các cơ quan của Bộ bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành.

anh1234.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Dù vậy, theo ông Hoàng Đạo Cương, tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.

Vì thế, thời gian tới, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, Bộ VHTTDL sẽ tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, tạo sự kết nối với các dữ liệu khác, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, công tác quản trị, điều hành và hoạch định chính sách.

Cho rằng dữ liệu là tài nguyên quan trọng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, việc phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải có sự kết nối, liên thông, đưa lên môi trường mạng để có dữ liệu sống, tăng cường mở dữ liệu cho xã hội tiếp cận. Bên cạnh đó, xây dựng dữ liệu phải gắn với định hướng khai thác, sử dụng để dữ liệu có giá trị; thúc đẩy chia sẻ để tránh một dữ liệu nhưng nhiều cơ quan cùng thu thập…

anh123.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long. Ảnh: Nam Nguyễn

Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần chú trọng gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Tiến sĩ Phạm Thị Khánh Ngân (Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL) cho rằng, việc xây dựng kho dữ liệu còn chưa được thực hiện thường xuyên và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển. Phần mềm dùng chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, quản lý và khai thác riêng, chưa có sự liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa đề xuất cần xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thiện các quy chế phối hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài cho cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, số hóa và cập nhật dữ liệu quốc gia...

Ông Phạm Quốc Hoàn, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh nhận định, việc đưa các hoạt động chuyên môn, quản lý lên môi trường số sẽ làm tăng tính minh bạch hóa, công khai, tăng sự kiểm tra, giám sát, làm ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của một số cơ quan, đơn vị nên ban đầu triển khai sẽ có rào cản.

Đại diện Viện Phim Việt Nam cho biết, hiện nay đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa. Nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản lâu dài các tư liệu trên đồng thời khai thác, phổ biến rộng rãi tới công chúng, Viện có kế hoạch, lộ trình nhằm số hóa các tư liệu quý giá đó. Tuy nhiên, phần lớn các trang thiết bị đã lạc hậu nên việc số hoá phim gặp nhiều khó khăn. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cũng như phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc.

Bên cạnh đó, tính bảo mật dữ liệu của tư liệu số hóa cũng là vấn đề cần được đặt ra, việc sao chép, chia sẻ dữ liệu, để lọt thông tin hoàn toàn có thể xảy ra do vô ý của cá nhân trong đơn vị nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết, thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.