Các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois và Đại học Washington, Mỹ vừa công bố cách thức chế tạo một loại cảm biến siêu nhỏ có chức năng theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật não bộ, rồi sau đó tự tan trong cơ thể người.
Theo các nhà nghiên cứu, cảm biến có kích cỡ chỉ bằng hạt gạo này sẽ giúp giảm nguy cơ chảy huyết tương và các tác động liên quan sau phẫu thuật não bộ, đồng thời không cần phải thực hiện thêm phẫu thuật để lấy thiết bị ra sau khi đã cấy vào não người.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu trên là John A. Rogers, giáo sư khoa Kỹ thuật và Khoa học Vật chất, Đại học Illinois và Wilson Ray - giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Đại học Washington. "Đây là bước tiến mới về cấy ghép y sinh điện tử, có thể thực hiện rất nhiều chức năng phức tạp, đồng thời sẽ tự tan trong cơ thể người khi không còn dùng tới", giáo sư Rogers cho biết.
Hiện tượng sưng tấy và tăng áp suất có thể xảy ra sau phẫu thuật não, cho nên chúng cần phải được theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa và can thiệp khi cần. Tuy nhiên, công nghệ hiện tại vẫn chưa cho phép thực hiện điều này một cách thuận tiện và hiệu quả.
Các phương pháp sử dụng dây nối theo dõi có thể gây phiền hà cho bệnh nhân khiến họ rất khó cử động. Chính vì vậy, một thiết bị cảm biến theo dõi nhỏ như hạt gạo và có thể tan trong cơ thể người là bước tiến đột phá để giải quyết vấn đề này.
Ngoài hai trường đại học lớn là Illinois và Washington, hỗ trợ dự án trên còn có Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, Cục nghiên cứu dự án quốc phòng cao cấp (DARPA) Mỹ và Viện Y khoa Howard Hughes.
Nguyễn Minh
TIN LIÊN QUAN